Tự chủ đại học, đổi mới và sáng tạo

Anh Thư| 06/10/2019 15:54

KHPTO - Ngày 5/10, Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đã tổ chức lễ khai khóa 2019 với chủ đề “Tự chủ đại học, đổi mới và sáng tạo”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến dự và nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên, giảng viên ĐHQG-HCM.

Tự chủ đại học là được chủ động hơn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ về chủ đề “Tự chủ đại học, đổi mới và sáng tạo”, một xu hướng tất yếu ở các quốc gia trên thế giới và cũng như ở Việt Nam hiện nay. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của mỗi quốc gia”. Nếu để giáo dục, y tế “tự chủ” hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, xu hướng chung trong giáo dục đại học (GDĐH) toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát.

Ngay cả trong mô hình Nhà nước kiểm soát thì cơ sở GDĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định. Đồng thời, ngay trong mô hình độc lập thì vẫn có những “mặc định ngầm” về quyền của Nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu giải trình đối với các cơ sở GDĐH.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải hoàn toàn “tự túc”, “tự bơi” về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời, Nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp, cựu giáo chức, cựu sinh viên.

Tại Việt Nam, từ những năm 90 của thế kỷ trước, quá trình thực hiện tự chủ đại học từng bước được thử nghiệm, theo từng lĩnh vực, từ thấp đến cao, toàn diện, từ tự chủ tài chính tới tự chủ trong học thuật, tổ chức bộ máy, nhân sự.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH 2018 có 3 quan điểm mới, đáng chú ý về đổi mới, nâng cao tự chủ đại học gồm trao quyền hạn rất lớn cho đại học, trường đại học tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức nhân sự và tự chủ tài chính. Luật cũng quy định nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH. Đổi mới quản trị đại học, tăng cường vai trò của hội đồng trường. Nhà nước thực hiện chiến lược, đặt ra quy định, quy trình, thực hiện giám sát, kiểm tra và không điều hành.

Đến nay, kết quả thực hiện tự chủ đại học đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số trường mở ngành mới và quy mô của ngành ngày càng tăng. Số lượng nghiên cứu khoa học tăng lên nhiều, bình quân mỗi năm 500 đề tài và tăng gấp 3 lần hội thảo khoa học quốc tế với 120 hội thảo/năm/trường tự chủ. Cơ cấu lao động của trường tự chủ cũng thay đổi tích cực theo hướng tăng giảng viên, giảm lao động gián tiếp. Giảng viên chính, số lượng giáo sư, phó giáo sư ở trường tự chủ tăng nhanh, đạt 9,2%/năm so với trường không tự chủ với mức tăng chỉ 3,2%/năm,…

Lễ khai khóa với những thông điệp có ý nghĩa

PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, giám đốc ĐHQG-HCM chúc mừng toàn thể cán bộ, công chức, giảng viên và sinh viên ĐHQG-HCM nhân năm học mới 2019 - 2020. Đã thành truyền thống và mang bản sắc riêng của ĐHQG-HCM, hàng năm, kết thúc chuỗi sự kiện đón chào tân sinh viên, các lễ khai giảng của các đơn vị thành viên và trực thuộc, là lễ khai khóa với những thông điệp hết sức ý nghĩa gửi đến toàn thể sinh viên ĐHQG-HCM nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung. Những thông điệp này khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của sinh viên khi được học tập và rèn luyện tại một đại học hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Tham dự lễ khai khóa hàng năm là một số cựu sinh viên tiêu biểu và khoảng 900 học sinh, sinh viên điển hình: đó là các sinh viên, học sinh đoạt thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, Olympic quốc gia các môn học, các cuộc thi học thuật và nghiên cứu khoa học; các sinh viên 5 tốt cấp ĐHQG-HCM của năm trước đó; các sinh viên thủ khoa tốt nghiệp năm học liền kề và top 5% tân sinh viên.

PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt cho rằng, từ khi công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tốc độ phát triển kinh tế và tham gia của Việt Nam vào thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Những thành quả đó, có phần đóng góp quan trọng của giáo dục nước nhà, mà gần gũi nhất là giáo dục đại học, đặc biệt trong thời đại khoa học công nghệ phát triển và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có tri thức, có trình độ, có công nghệ càng mang yếu tố quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ đại học, đổi mới và sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO