Trường tư thục có phải là doanh nghiệp?

ANH THƯ| 05/12/2019 07:09

KHPTO - Trường đại học luật TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Khung pháp lý về thành lập, quản trị và chuyển đổi các loại hình nhà trường”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục”, do Trường đại học luật TP.HCM là tổ chức chủ trì và PGS.TS. Bùi Xuân Hải làm chủ nhiệm đề tài.

Đây là một diễn đàn để các chuyên gia nghiên cứu, thành viên hội đồng và đại diện ban giám hiệu các trường đại học, lãnh đạo sở, phòng giáo dục các quận huyện và giáo viên cùng đóng góp ý kiến để Luật giáo dục được tuân thủ và tổ chức thi hành hiệu quả trong tương lai.

Trường tư thục là tổ chức kinh tế cung cấp dịch vụ giáo dục

PGS.TS. Nguyễn Văn Vân nhận định, trong bối cảnh tài chính - ngân sách Việt Nam hiện nay, việc thừa nhận tính chính danh hoạt động giáo dục là một dạng của dịch vụ và trường tư thục là một tổ chức kinh tế cung cấp dịch vụ giáo dục là xu thế tất yếu. Chỉ khi thừa nhận đúng bản chất của hoạt động thì mới có cơ chế bảo đảm và bảo hộ thành quả đầu tư của nhà đầu tư. Mỗi mô hình sở hữu trường tư thục đều có những ưu việt và khiếm khuyết nhất định. Tương ứng với các mô hình sở hữu trường của nhà đầu tư trường tư thục cần phải có các quy định pháp luật phù hợp để phát huy hết các ưu việt của mô hình đó, bảo hộ quyền sở hữu, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trường tư thục.

Trong một vấn đề khác, ThS. Hồ Sỹ Anh, Viện nghiên cứu giáo dục cho biết, Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, luật có nhiều điểm mới và cần có nhiều văn bản quy định dưới luật để đảm bảo thực thi một cách hiệu quả. Vấn đề đầu tiên mà ThS. Hồ Sỹ Anh nêu ra là học phí giáo dục mầm non và phổ thông. Các quy định vẫn có những vấn đề cần bàn thảo tiếp để rõ hơn khi thực hiện.

ThS. Hồ Sỹ Anh cho rằng, cần xem xét mở rộng diện học sinh trường tư thục được hỗ trợ học phí, không chỉ giới hạn là học sinh tiểu học ở vùng chưa đủ trường tiểu học công lập mà các đối tượng học sinh tư thục mẫu giáo 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở (THCS), khi 2 đối tượng học sinh thực hiện miễn phí hoàn toàn. Việc hỗ trợ học phí cho học sinh trường tư thục, tạo điều kiện cho trường tư thục phát triển, không chỉ giảm gánh nặng ngân sách đầu tư trường lớp cho Nhà nước, mà còn thực hiện công bằng cho người dân khi con em theo học trường tư. Mặt khác, hiện nay có một số trường tư thục phải đóng thuế thu nhập như doanh nghiệp (có khi đến 25 - 28%), phụ huynh những trường này phải đóng thuế cho Nhà nước 2 lần (thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thông qua học phí cho trường tư).

Việc miễn học phí đối với cấp học phổ cập (học sinh mẫu giáo 5 tuổi, học sinh THCS) do Chính phủ quy định lộ trình, tức là sẽ miễn dần và đạt 100% học sinh các trường công lập sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, có một số tỉnh, thành phố muốn thực hiện sớm hơn (ngay trong năm học 2020 - 2021) có được chấp thuận không? Một vấn đề nữa là, đối với cấp trung học phổ thông (THPT), Luật giáo dục xác định không phải là cấp học phổ cập, nên chưa có chủ trương miễn học phí, nhưng có một số địa phương muốn miễn học phí cấp THPT thì có trái với luật không?

Về việc thành lập trường, ThS. Lê Nhật Bảo, khoa luật thương mại, Trường đại học luật TP.HCM đề nghị, dưới hiệu lực của Luật giáo dục 2019, cần rà soát lại tất cả các quy định về thủ tục thành lập cơ sở giáo dục, đảm bảo tính thống nhất trong thủ tục cũng như hồ sơ thành lập trường. Đối với các cơ sở giáo dục tồn tại dưới hình thức nhà trường có điều kiện thành lập giống nhau cần được quy định hồ sơ thành lập trường như nhau. Rà soát lại các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo hồ sơ thành lập trường thống nhất phù hợp với Luật giáo dục. Đồng thời, Bộ giáo dục và đào tạo cần sớm ban hành các biểu mẫu văn bản. Chẳng hạn, tờ trình đề nghị thành lập trường cần có những nội dung cơ bản như thế nào, đề án thành lập trường cũng cần có mẫu thống nhất, quyết định thành lập trường (hoặc cho phép thành lập trường) cũng cần được ban hành theo mẫu chung.

Minh bạch trong hoạt động tài chính

Để đảm bảo thực thi nguyên tắc minh bạch trong hoạt động tài chính tại các trường công lập, một số giải pháp được ThS. Trần Thị Trúc Minh, Trường đại học luật TP.HCM đề nghị, đầu tiên phải hoàn thiện công tác kế toán kiểm toán. Thứ hai, đổi mới hoạt động tài chính và hệ thống kiểm soát tài chính nội bộ. Phân cấp cho các đơn vị trong trường; mở rộng nguồn thu và khoán chi; quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính; đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị trong trường. Đổi mới toàn diện quy chế chi tiêu nội bộ mang tính chi tiết, đảm bảo tính công khai, dân chủ và công bằng; xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của từng người lao động, chú trọng giải pháp chi trả thu nhập theo hiệu quả công việc, khuyến khích, hấp dẫn, thu hút người có năng lực, trình độ.

Vấn đề thứ ba là thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo định kỳ thông qua tổ chức kiểm định độc lập, công khai cam kết kiểm định chất lượng giáo dục và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thu, quản lý, sử dụng học phí tuyển sinh; các khoản thu từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ; khoản hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục và khoản thu, chi tài chính khác theo quy định của pháp luật. Thứ tư, xây dựng và thực hiện cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về hoạt động tài chính. Thứ năm, hoàn thiện và thực hiện cơ chế về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trách nhiệm giải trình là tính chịu trách nhiệm và khả năng giải thích của cán bộ, công chức về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình thi hành công vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường tư thục có phải là doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO