Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM: Dấu ấn 10 năm đào tạo nghề

HẢI ĐĂNG| 06/10/2020 07:27

KHPTO - Có đội ngũ giáo viên tâm huyết, chương trình đào tạo bám sát mục tiêu phát triển ngành nghề nông nghiệp của TP.HCM và các quận, huyện, Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM luôn là đơn vị được “chọn mặt gửi vàng” đào tạo nghề nông nghiệp thuộc chương trình 1956 và 971 trong suốt 10 năm qua.

Ghi nhận từ một tiết thực hành

Tiết thực hành làm bẫy sinh học diệt ruồi đục trái do cô Nguyễn Thị Diễm Chi (Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM) hướng dẫn diễn ra khá sôi nổi, học viên nào cũng tranh thủ hoàn thiện một chiếc bẫy côn trùng để mang về đặt trong vườn nhà. Đây là tiết thực hành thuộc chuyên đề: “Phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn trái”. Trước đó, cô Diễm Chi đã hướng dẫn cho học viên cách nhận biết sâu, bệnh trên cây ăn trái thông dụng như: ổi, mận, sầu riêng, bưởi, vú sữa, xoài...; hướng dẫn một số dạng bẫy sinh học ít độc và một số bẫy hạn chế sâu bệnh hại.

Theo cô Diễm Chi, phương pháp bẫy sinh học dùng Pheromone có chi phí khá rẻ lại có lợi cho môi trường và bảo đảm sức khỏe con người. Vườn rộng 1.000 m2 chỉ sử dụng 1 chai (30.000 đồng) cho cả vụ từ khi ra trái đến lúc thu trái; đặt bẫy mất 10 - 15 phút, 1.000 m2 chỉ cần treo 2 bẫy, 20 ngày sau mới phải đặt bẫy lại. Còn với phương pháp phun xịt bằng thuốc bảo vệ thực vật rất độc hại cho sức khỏe trong khi nông dân lại không có biện pháp bảo hộ khi phun xịt. Thực hiện biện pháp này tốn khá nhiều thời gian, cứ 2 - 3 ngày phải xịt/lần (1 chai xịt được 10 lần); cho cả mùa vụ sử dụng hết 2 - 3 chai. Tuy nhiên, phun thuốc bảo vệ thực vật chỉ có tác dụng lúc cây ra lá, giai đoạn sinh trưởng, đến giai đoạn có trái thì đặt bẫy là an toàn và hiệu quả nhất. Giai đoạn có trái phun xịt không còn hiệu quả bởi lúc trứng đẻ vào trái thì không thể nào phun mà nó chết. Mặt khác, phun đến mức mà thuốc lưu dẫn thấm vào trái, thì côn trùng, sâu hại ăn chết, người ăn vào có khi cũng chết (!!!). Tuy nhiên, phương pháp này phải dùng trên diện rộng quy mô lớn, nếu các vườn đều đặt bẫy sinh học thì quần thể (côn trùng, sâu hại) sẽ giảm dần.

Cô Diễm Chi cho biết, chuyên đề “Phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn trái” đã được truyền đạt qua nhiều lớp tại các xã của huyện Củ Chi, khi nông dân áp dụng trong sản xuất, đều có phản hồi tích cực là đặt bẫy giảm được côn trùng, sâu bệnh hại trong vườn cây ăn trái, thậm chí các vườn rau hoặc lan cũng hết dần.

Ông Nguyễn Văn Toan, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi chia sẻ: “Cũng như tôi, nhiều chủ vườn lan do không nắm bắt kỹ thuật nên không biết xử lý khi bị côn trùng, sâu hại hút chích bông dẫn đến bông bị thối rất nhiều. Qua lớp học này, giúp chúng tôi nhận biết sâu, bệnh trên cây lan để từ đó chăm sóc vườn lan tốt hơn, không để bị thối bông nữa”.

Mười năm “nâng cấp” nghề cho 9 ngàn lao động nông thôn

Thầy Bùi Thanh Hùng, trưởng phòng đào tạo Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM cho biết: “Do chương trình xây dựng phù hợp với mục tiêu phát triển ngành nghề nông nghiệp của TP.HCM và các quận, huyện nên trong suốt 10 năm qua, chúng tôi luôn là đơn vị được chọn đào tạo nghề nông nghiệp thuộc chương trình 1956 và 971. Ngoài ra, chúng tôi còn là đơn vị được Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM chọn đào tạo 3 chương trình mục tiêu: kỹ thuật trồng hoa kiểng, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa cho thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Để có kết quả đào tạo tốt nhất, qua mỗi lớp, khi tổng kết đều có yêu cầu bà con cho nhận xét về mặt yếu, chương trình cần bổ sung, phương pháp truyền đạt. Từ đó, loại bỏ hoặc bổ sung cập nhật chương trình đào tạo. Ví dụ, trước đây chúng tôi dạy trồng rau an toàn, về sau đã nâng cấp lên là trồng rau công nghệ cao. Nhà trường cũng có các trang trại thực nghiệm rộng hơn 10 ha tại quận 9, có vườn kiểng, trang trại bò, heo và trạm xá thú y để phục vụ đào tạo nghề nông nghiệp. Các trại thực nghiệm này còn là nơi sản xuất hàng hóa tạo nguồn thu để giúp nhà trường tái đầu tư trang thiết bị đào tạo”.

“Với sự nỗ lực trên, trong 10 năm đào tạo nghề nông nghiệp thuộc chương trình 1956 và 971, chúng tôi luôn hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho các quận, huyện Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp trên 5 ngàn lao động, đào tạo dưới 3 tháng trên 4 ngàn lao động. Điều vui mừng là 100% lao động qua đào tạo đều có việc làm, một số được giải quyết việc làm ngay trên mảnh vườn miếng ruộng của mình, số khác được các doanh nghiệp địa phương tuyển dụng hoặc chuyển đổi sang các mô hình phù hợp nông nghiệp đô thị. Qua rà soát, chúng tôi rất tự hào vì hầu hết nông dân ngoại thành đều vận dụng kiến thức được học để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng. Đặc biệt, họ đã biết lựa chọn những cây con chất lượng cao để đưa vào sản xuất cải thiện đời sống. Họ cũng loại dần chăn nuôi truyền thống, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng an toàn thực phẩm vào sản xuất”, thầy Bùi Thanh Hùng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM: Dấu ấn 10 năm đào tạo nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO