Trồng rong nho biển: Loại thực phẩm mới tại Việt Nam

03/08/2007 10:46

Rong nho (Caulerpa lentilifera) thuộc bộ Caulerpales, ngành rong lục Chlorophyta. Chúng còn được gọi là “trứng cá hồi xanh” (green caviar) hoặc nho biển (Sea grapes). Đây là loài rong lục phân bố ở vùng biển ấm Thái Bình Dương, mọc trên nền đáy là bùn pha cát, ở những vũng vịnh kín sóng, nước trong. Rong nho rất được ưa chuộng và sử dụng như một loại rau xanh trong các món salad tại một số nước châu Á như Nhật Bản, Philippines... Đó là nguồn cung cấp rất tốt các vitamin A, C và các chất vi lượng như sắt, iod... Trong số hơn 20 loài của chi Caulerpa được tìm thấy ở vùng biển ấm Thái Bình Dương, rong nho là loài có giá trị nhất.

Do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng nhanh trong những năm gần đây, cho nên cùng với khai thác tự nhiên, việc nuôi trồng loài rong này cũng đã phát triển ở các nước Nhật Bản, Philippines, Thái Lan... Ở Philippines đã có khoảng 400 hecta ao đìa tại Cebu được trồng rong nho. Tại Nhật Bản, từ năm 1986 rong này đã được trồng thương phẩm tại Okinawa. Phương pháp nuôi trồng phổ biến là áp dụng cách sinh sản dinh dưỡng.

Từ năm 2004, Phòng thực vật biển Viện hải dương học Nha Trang đã di nhập giống rong này từ Nhật Bản và tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu nuôi trồng. Đây là đối tượng mới, có ý nghĩa kinh tế và có khả năng phát triển ở Việt Nam, góp phần vào việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi. Ngoài ra do có khả năng phát triển rất nhanh, đồng hóa và hấp thu dinh dưỡng mạnh, chúng còn có thể được nuôi ghép, nuôi xen canh…, gia tăng thu nhập cho cộng đồng, cũng như góp phần vào việc cải thiện chất lượng môi trường và phát triển nghề nuôi bền vững.

Đặc điểm hình thái của rong nho

Hình dạng rong nho

Rong có màu xanh đậm, gồm có phần thân bò chia nhánh, có hình trụ tròn, đường kính 1 - 2 mm. Trên thân bò mọc ra nhiều thân đứng. Trên thân đứng mọc ra nhiều nhánh nhỏ, tận cùng là các khối hình cầu (ramuli), giống quả nho, đường kính 1,5 - 3 mm, mọc dày kín chung quanh các thân đứng. Đây là phần có giá trị sử dụng. Trên thân bò có nhiều “rễ giả” phân nhánh thành chùm như lông tơ, bám sâu vào đáy bùn.

Cách sinh sản chủ yếu của rong là sinh sản dinh dưỡng bằng cách phát triển các thân bò có phân nhánh. Khi rong phát triển, các thân bò cứ mọc dài và phân nhánh liên tục, nhưng các thân đứng chỉ mọc đến một độ dài nhất định (thường từ 5 - 10 cm hay hơn tùy điều kiện môi trường). Các thân bò và đứng mọc chồng chất lên nhau thành đám dày.

Một số các đặc điểm sinh thái

Là một loại rong sống ở vùng biển ấm, nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của chúng khoảng 25 - 300C. Nhiệt độ thấp rong sẽ chậm hoặc ngừng tăng trưởng. Rong sinh trưởng nhờ trao đổi dinh dưỡng với môi trường nước, vì vậy trong môi trường giàu dinh dưỡng, rong phát triển mạnh và như thế dòng chảy nhẹ, sự trao đổi nước cũng là yếu tố cần thiết.

Trong điều kiện tự nhiên, rong sống bò trên nền đáy hoặc cài quấn với các rong khác, nhưng trong nuôi trồng có thể dùng giàn treo. Sinh sản dinh dưỡng là phương pháp sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng.

Giá trị sử dụng

Ngoài đặc điểm mềm và giòn, ngon hơn các loài rong biển khác, các kết quả phân tích được thực hiện tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (TP.HCM) ở các mẫu rong được trồng tại Nha Trang cho thấy rong rất giàu vitamin C (161,80 mg/kg), vitamin A (0,518 mg/kg). Đặc biệt là rất giàu các nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự biến dưỡng của sinh vật như iod (19,079 mg/kg), K (0,034%), Ca (0,0437%). Một số tài liệu cũng đề cập đến rong còn có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Chúng còn được sử dụng như là một loại thực phẩm tác dụng làm giảm huyết áp.

Thu hoạch, lưu giữ và vận chuyển

Sau thời gian trồng chừng 2 tháng, rong sẽ được thu hoạch, chỉ cắt lấy phần thân đứng, rửa sạch bằng nước biển, giữ ẩm trong điều kiện nhiệt độ bình thường dưới 300C có thể bảo quản rong tươi sống trong thời gian từ 10 - 15 ngày. Khi thu hoạch rong, có thể chừa lại chừng 20% để rong có thể tiếp tục phát triển. Chiều dài của thân đứng có giá trị trong khoảng từ 5 - 10 cm. Số lượng nhiều và đều của các quả (ramuli) xác định giá trị của sản phẩm.

Hiện nay mới chỉ có một công ty liên doanh Việt - Nhật đang trồng rong nho tại vùng biển Phan Thiết, thu hoạch sản phẩm được Nhật bao tiêu.

Cuối tháng 12/2007, sau khi nghiệm thu đề tài nghiên cứu, Viện hải dương học Nha Trang sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi trồng và cung cấp giống rong nho cho bà con ngư dân./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng rong nho biển: Loại thực phẩm mới tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO