Trồng rau ăn lá mùa mưa

PHÚC TRẦN| 23/06/2019 17:16

KHPTO - Theo Trung tâm khuyến nông TP.HCM, trồng rau trong mùa mưa gặp nhiều bất lợi như: thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém, dịch bệnh dễ phát sinh làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau. Để hạn chế thiệt hại, nhà vườn nên chọn trồng các loại rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch. Ngoài ra, cần làm nhà lưới hoặc làm lều che để tránh tác động của mưa, gây hư hỏng mặt lá và giảm sâu bệnh.

Lưu ý khi làm đất, chọn nơi trồng thoát nước tốt hoặc làm liếp cao. Đối với đất thấp, cần lên luống, lên liếp cao ráo, có mương rãnh thoát nước tốt, cần nhất là nền đất không được xới cho tơi xốp như mùa nắng để tránh đất hút nhiều nước gây ngập úng, vì nếu bị ngập quá lâu rễ cây sẽ bị mất oxy (dân gian gọi là bị ngộp) và khả năng hấp thu dinh dưỡng kém. Tình trạng này nếu kéo dài cây sẽ bị chết hoặc bị tuột lá dẫn đến năng suất bị giảm. Củng cố bờ bao vững chắc và trang bị máy bơm để phòng chống hiện tượng ngập úng tạm thời.

Cần bón lót phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học, bón vôi và tăng lượng phân lân cho đất nhằm khử chua, tăng độ phì và giữ ẩm cho đất. Trồng rau trong mùa mưa cũng cần lưu ý chọn giống kháng được các bệnh: héo dây, sương mai, thán thư, thối nhũn. Để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây cũng như hạn chế dịch hại, nhà vườn cần tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ sinh học, cân đối bổ sung thêm phân lân và kali và giảm lượng phân đạm nhằm phòng ngừa bệnh thối nhũn. Kết hợp sử dụng Trichoderma bằng cách ủ với phân hữu cơ để bón lót nhằm hạn chế một số loại nấm bệnh, hoặc khi cây được 5 - 7 ngày tuổi thì có thể hòa với nước để tưới vào gốc cây rau.

Lưu ý khi phun thuốc bảo vệ thực vật, nên sử dụng thuốc sinh học, thuốc trong danh mục cho phép và phải đảm bảo thời gian cách ly để an toàn cho người tiêu dùng. Cách phòng trị bệnh hiệu quả nhất là nhà vườn nên áp dụng các biện pháp tổng hợp (còn gọi là IPM) gồm: canh tác, thủ công, sinh học và hóa học. Đồng thời, thường xuyên tỉa bỏ bớt chồi, nhánh vô hiệu, bấm ngọn để cây ra các nhánh phụ nhằm hạn chế chiều cao tránh đổ ngã. Cắt bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh, các cành, nhánh vô hiệu nhằm tạo độ thông thoáng trên mặt liếp, làm giảm độ ẩm, góp phần hạn chế sự phát sinh, phát triển và gây hại của sâu bệnh. Nếu rau bị sâu bệnh cần nhặt bỏ lá già, nhổ bỏ cây bệnh nặng rồi rắc vôi vào gốc, phun thuốc khi cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng rau ăn lá mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO