Trồng lá mối thu nhập cao

Thành Hiệp| 26/05/2015 16:16

Lá mối thuộc loài dây leo, lá màu xanh lục, có phiến xoan. Người dân vùng Bảy Núi, An Giang còn gọi là cây sương sâm. Thật ra lá mối có hai loại: một loại lá trơn láng và một loại lá hình trái tim có lông mịn, gọi là sương sâm lông, loại này khi vò với nước mau đông hơn, làm thạch ăn ngon hơn.

Lá mối thường mọc tự nhiên trong rừng, trên núi hoặc các khu vườn hoang dại. Gần đây có nhiều người đã nhân giống bằng cách ươm hột trồng trong vườn nhà để lấy lá làm thạch. Anh Lê Văn Chiến ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trồng 1 công dây mối. Kỹ thuật trồng của anh là cho dây leo lên cây đứng, vừa dễ tưới nước vừa dễ hái. Sau 10 ngày hái lá một đợt, mỗi đợt khoảng 50 - 70 kg lá, quy ra thành tiền được 2.500.000 đ. Lá mối tới kỳ thu hoạch sẽ có thương lái đến tận chỗ thu mua với giá 50.000 đ/kg, những lúc hút hàng lên tới 80.000 đ/kg. Nhiều người phấn khởi nói dây mối là một loại dây “trồng chơi ăn thiệt”, là dây “xóa đói giảm nghèo” đối với những hộ còn khó khăn ở miền núi. Một hộ chỉ trồng khoảng 100 dây, mỗi tháng cũng có thể kiềm thêm 1 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai trồng cũng thành công vì loại dây này dễ bị “đột tử” do thiếu nước và nấm bệnh.

Theo tính toán của anh Chiến, tại những vùng đất núi khô cằn, bà con chỉ trồng được một ít loại cây ăn trái như xoài, mãng cầu ta và một vài loại khoai, đậu. Riêng dây mối, nếu trồng đúng kỹ thuật, phân nước đầy đủ, mỗi công có thể thu nhập trên 75 triệu đồng/năm, lãi gấp 3 lần các loại cây ăn trái và gấp 2 lần trồng khoai mì.

Ông Út Quýt ở ấp Ba Xoài, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là một trong những người đầu tiên trồng dây mối dưới tán xoài, thu nhập bình quân mỗi năm trên 40 triệu đồng. Ông cho biết, dây mối rất dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, nhưng cây rất cần nước, thiếu nước dây không phát triển. Lúc đầu ông dùng tàu tre, dần dần ông sử dụng lưới ny lon để làm giàn rất tiện lợi.

Theo kinh nghiệm dân gian, thạch lá mối (sương sâm) rất mát, nhất là mùa nóng nực ăn vào giúp cơ thể thanh nhiệt. Về thành phần hóa học, chưa thấy có tài liệu nghiên cứu, nhưng theo y học cổ truyền, lá mối có tác dụng giải nhiệt, nhuận gan, không độc. Muốn làm thạch sương sâm, người ta dùng lá rửa sạch (khoảng 100 g cho 3 lít nước) rồi dùng tay vò nát trong một thau nước chín để nguội. Nước ra càng đậm đặc, sương sâm càng dai và ngon. Sau khi vò xong, lọc lấy phần nguyên chất, sau khoảng 1 tiếng đồng hồ nước sẽ cô đọng. Nếu cho vào tủ lạnh càng mau đặc hơn. Thạch lá mối có thể ăn riêng với đường cát nhưng cũng có thể phối hợp với hột é, phổ tai tạo thành một món ăn thanh nhiệt, tươi mát và mùi vị hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng lá mối thu nhập cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO