Triệu chứng nhức đầu ở người lớn

23/11/2017 14:31

Mới đây, một khảo sát của Hiệp hội nhức đầu quốc tế cho thấy có hơn 150 nguyên nhân gây ra triệu chứng nhức đầu…

Các nhà chuyên môn đã phân loại đau đầu làm 2 nhóm là nhức đầu nguyên phát và thứ phát.

Nhức đầu nguyên phát
Tự xảy ra và không liên quan gì đến tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý nào khác. Danh mục này bao gồm các loại nhức đầu căng thẳng, đau nửa đầu và đau đầu chụm (cluster).
- Nhức đầu căng thẳng, loại đau đầu thường gặp nhất. Nhức đầu căng thẳng có xu hướng nhẹ đến trung bình, hoặc căng nặng đầu và thường đau cả hai bên đầu. Đau đầu căng thẳng có xu hướng nhẹ, nên người bệnh thường tự mua và uống thuốc giảm đau thông thường. 
- Đau migraine, cũng thường gặp của nhức đầu nguyên phát. Nguyên nhân chính xác của chứng đau nửa đầu là không rõ, mặc dù là do sự thay đổi của thần kinh và mạch máu. Chứng đau nửa đầu cũng liên quan đến những thay đổi trong não và những dị dạng di truyền ở một số khu vực nhất định của não. Đau migraine từ vừa đến nặng, thường được mô tả là đau nhói hoặc đau nhức. Đau nửa đầu có thể kéo dài từ 4 giờ đến 3 ngày và thường xảy ra 1 - 4 lần mỗi tháng. Các triệu chứng đau nửa đầu bao gồm sự nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn hoặc mùi hôi; buồn nôn hoặc nôn; ăn mất ngon; và dạ dày khó chịu hoặc đau bụng.
- Nhức đầu chụm (cluster), có cảm giác nóng bừng hoặc co giật từng cơn hay liên tục vùng nào đó trên đầu, thường đau vùng sau  mắt hoặc trong vùng mắt. Nhức đầu chụm thường xảy ra từ một đến ba lần mỗi ngày trong một giai đoạn khu trú, kéo dài từ 2 tuần đến 3 tháng. Nhức đầu có thể biến mất hoàn toàn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, sau đó có thể tái phát trở lại.
- Nhức đầu liên tục hàng ngày, đau đầu này không liên quan đến bệnh thể chất. Mặc dù các chứng đau đầu có thể không liên quan đến các bệnh khác, nhưng có khuynh hướng liên tục, nằm ở cả hai bên đầu và không đáp ứng với nhiều loại thuốc.
Nhức đầu thứ phát
Nhức đầu thứ phát sau các bệnh khác: thần kinh, viêm xoang, đau đầu khi lạm dụng thuốc, hoặc nhức đầu xảy ra do chấn thương đầu, chấn thương, hoặc tình trạng nghiêm trọng hơn như khối u.
- Nhức đầu viêm xoang, nhức đầu kết hợp với đau sâu vùng xoang và liên tục ở vùng má, trán, hoặc cạnh chân mũi. Các cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn khi cử động đột ngột hoặc căng thẳng và xảy ra với các triệu chứng xoang cấp tính khác, như chảy mũi, mùi hôi trong miệng, cảm giác đau nhức trong tai, sốt, sưng mặt và đau quanh xoang.
- Nhức đầu do sử dụng thuốc quá liều, do sử dụng quá mức thuốc giảm đau, thuốc chống lo âu, an thần, thuốc ngủ. Đây là loại nhức đầu mãn tính phổ biến nhất, còn được gọi là đau đầu “chuyển hóa”. Có khoảng 4% dân số có triệu chứng đau đầu mạn tính và thường là do nguyên nhân lạm dụng thuốc.

Nhức đầu di truyền
Nhức đầu, đặc biệt là chứng đau nửa đầu, có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Nhức đầu cũng có thể được kích hoạt bởi một số yếu tố môi trường như:
- Từ khói thuốc lá. 
- Mùi hôi của các loại hóa chất, có khi là nước hoa.
- Tiếp xúc với chất gây dị ứng nào đó.
- Ăn một số thực phẩm “không hạp” với cơ thể.
- Sự căng thẳng, ô nhiễm, tiếng ồn, ánh sáng hay thay đổi thời tiết cũng có thể là nguyên nhân gây ra nhức đầu ở một số người.

Nguyên nhân gây nhức đầu
Nhức đầu là kết quả của các tín hiệu tương tác giữa não, mạch máu và các dây thần kinh xung quanh. Trong cơn nhức đầu, thần kinh đặc biệt của mạch máu được kích hoạt và gửi tín hiệu đau đến não.
Nhức đầu xuất hiện đột ngột (khởi phát cấp tính) thường do bệnh, nhiễm trùng, cảm lạnh hoặc sốt. Các điều kiện khác có thể gây nhức đầu cấp tính bao gồm viêm xoang, viêm họng (viêm hoặc nhiễm trùng cổ họng), hoặc viêm tai giữa.
Các tác nhân kích thích thường gặp của nhức đầu thường là: căng thẳng cảm xúc liên quan đến gia đình và bạn bè, công việc, hoặc trường học; sử dụng nhiều rượu, bia; thay đổi thời gian ngủ, ít ngủ, mất ngủ; sử dụng thuốc quá liều...
Nguyên nhân làm nhức đầu do một bệnh khác chẳng hạn như: chứng tràn dịch não (sự tích tụ không bình thường của dịch não); viêm màng não (nhiễm trùng hoặc viêm màng bao gồm não và tủy sống); viêm não; xuất huyết não (chảy máu trong não); khối u não; chấn thương đầu; độc tố (tiếp xúc quá nhiều với hóa chất, cả một số loại thuốc).
Nhức đầu được đánh giá và chẩn đoán như thế nào? Các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, kết hợp thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, chụp X-quang xoang, nếu cần sẽ chụp CT hoặc MRI xoang, não, điện não đồ...
Điều trị nhức đầu
Việc điều trị sẽ dựa vào xác định nguyên nhân. Một số trường hợp, việc chữa trị ngoài dùng thuốc, cũng cần phải kết hợp chữa trị về tâm lý như tư vấn, trao đổi để giải tỏa những nguyên nhân căng thẳng. Như trao đổi để tìm ra những nguyên nhân gây ra nhức đầu chẳng hạn như thiếu ngủ, thay đổi giờ ăn, ăn phải loại thực phẩm hay chất phụ gia không phù hợp cơ địa, do uống cà phê, do yếu tố môi trường... Hạn chế tác động từ những nguyên nhân này để tránh nguy cơ bị nhức đầu là một bước quan trọng trong điều trị chứng nhức đầu.
Để điều trị thành công cơn nhức đầu, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân gây ra nhức đầu. Với những nguyên nhân từ tâm lý nên trang bị kỹ năng quản lý căng thẳng như các bài tập thở sâu, thư giãn cơ bắp, thư giãn tinh thần, hoặc thư giãn với âm nhạc . Hãy hỏi ý kiến bác sĩ, hay tìm hiểu từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để biết thêm thông tin về các kỹ thuật giảm stress này. 

Theo một số báo cáo, có hơn 45 triệu người Mỹ bị đau đầu kinh niên (dài hạn), tái phát (lặp lại); trong số này, 28 triệu người bị chứng đau nửa đầu. Khoảng 20%  trẻ em và thanh thiếu niên cũng bị nhức đầu. Khoảng 70% người bị đau đầu là phụ nữ...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệu chứng nhức đầu ở người lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO