Triết lý nhân sinh cao đẹp trong Di chúc của Bác Hồ

05/06/2019 08:55

KHPTO – Năm mươi năm trước, sau khi đã “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, trước khi từ biệt thế giới này, Bác Hồ đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và loài người tiến bộ bản Di chúc lịch sử thấm đượm triết lý nhân sinh sâu sắc - tình yêu thương con người, tư tưởng vì con người và giải phóng con người.

Triết lý nhân sinh của Bác Hồ lấy thực tiễn làm điểm xuất phát, lấy đấu tranh cách mạng làm phương tiện, lấy giải phóng và phát triển con người toàn diện làm mục tiêu - đó là triết lý hành động, triết lý của “đạo ở đời và đạo làm người”. Với triết lý nhân sinh sâu sắc đó, trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ chỉ rõ: “Đầu tiên là công việc đối với con người”.

Trước hết, đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, chúng ta “phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn”, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp cho họ để họ được học hành và có thể dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với những người đã hy sinh, mỗi địa phương cần “xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm” để mãi ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Và, khi gia đình, người thân của họ gặp khó khăn, túng thiếu, thì chính quyền địa phương “phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Với những người còn trẻ, có nhiều cống hiến trong các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất” để đào tạo họ trở thành những người lao động giỏi, đạo đức tốt, lập trường cách mạng vững vàng và lấy đó làm đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng xã hội mới.

Đối với phụ nữ, Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo” và coi đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ.

Với những người là nạn nhân của chế độ xã hội cũ (như: trộm cướp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu...), Người yêu cầu chúng ta phải khoan dung, độ lượng, kết hợp giáo dục với sử dụng luật pháp để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở thành những người lao động lương thiện.

Với đạo lý truyền thống của dân tộc: “uống nước, nhớ nguồn”, Bác Hồ ân cần căn dặn rằng, sau khi kết thúc chiến tranh, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; nhất là, cần phải “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm nguồn phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Đó chính là tấm gương “trọng dân”, “thấu hiểu lòng dân” và “khoan thư sức dân” của người xưa.

Xuất phát từ triết lý nhân sinh sâu sắc, thấm đượm tính nhân văn cao cả, Bác Hồ đã từng bộc bạch: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và, khi để lại cho chúng ta bản Di chúc thiêng liêng, Người đã thể hiện niềm khao khát khôn nguôi là “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Như vậy, trong Di chúc Bác Hồ đã đề xuất một hệ thống chính sách xã hội toàn diện và chu đáo, tất cả vì con người. Với hệ thống chính sách xã hội đó, Người không chỉ quan tâm đến đời sống của nhân dân, mà còn chăm lo đến việc “trồng người”, giáo dục, đào tạo lớp người vừa “hồng” vừa “chuyên” để kế thừa sự nghiệp cách mạng, xây dựng xã hội mới - một xã hội có đủ điều kiện để triệt để giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đưa con người từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”.

Biến triết lý nhân sinh thành hành động, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã đấu tranh không biết mệt mỏi, cống hiến không tiếc sức mình cho sự nghiệp giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào. Ngay cả khi phải từ biệt thế giới này, Người vẫn lấy làm tiếc rằng, không còn được phục vụ nhân dân “lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Có thể nói, suốt đời phục vụ và cống hiến cho nhân dân mà không hề giữ lại điều gì cho riêng mình, Người còn căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Ngay cả thi hài mình, Người cũng yêu cầu “được đốt đi” để “đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”, nơi để hộp tro thi hài thì “không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Tình yêu thương con người, tư tưởng vì con người, vì tất cả mọi người đó ở Bác quả là có một không hai trên thế giới này. Lúc còn sống, Người chăm lo cho dân, cho nước; trước khi đi xa, Người vẫn không quên căn dặn chíng ta phải chăm lo cho hạnh phúc của mỗi người và mọi người, không quên và không sót một ai.

Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác Hồ và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta càng thấm thía triết lý nhân sinh cao đẹp của Bác và nguyện suốt đời sống, làm việc, học tập theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triết lý nhân sinh cao đẹp trong Di chúc của Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO