Trẻ bị viêm hạch - có nguy hiểm?

BS. TRƯƠNG ANH MẬU| 22/08/2020 09:28

KHPTO - Viêm hạch là một tình trạng nhiễm trùng của các hạch lympho thuộc hệ bạch huyết của cơ thể. Các hạch lympho này là một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, tạo ra các kháng thể giúp chống lại sự xâm nhập của các vật lạ (siêu vi, vi trùng). Khi các hạch này bị tấn công thì sẽ có hiện tượng viêm phản ứng và tạo ra tình trạng viêm hạch.

Khi hạch vùng nào bị viêm thì sẽ xuất hiện một khối sưng, cứng, đau ở vùng đó và đôi khi có kèm theo sốt. Hầu hết các viêm hạch đều có thể chữa khỏi bằng kháng sinh đường uống, một số ít trường hợp nặng diễn tiến đến mức tụ mủ ở hạch thì cần được rạch để dẫn lưu.

Tuy nhiên, trẻ cần được bác sĩ khám để xác định trường hợp viêm hạch là do siêu vi hay vi trùng. Nếu hạch viêm do nhiễm khuẩn thì trẻ cần uống kháng sinh theo toa bác sĩ chỉ định và tiếp tục uống đủ liều ngay cả khi triệu chứng bệnh có giảm bớt hoặc hết triệu chứng.

Một số trường hợp hạch viêm phản ứng thì không cần kháng sinh, chỉ cần kháng viêm, giảm đau nếu trẻ có đau, uống nhiều nước thì hạch cũng sẽ tự giới hạn và nhỏ lại.

Nên cho trẻ uống càng nhiều nước càng tốt, một số nước trái cây có nhiều vitamin như cam, chanh cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Cha mẹ có thể dùng bút vẽ lại đường kính của hạch và so sánh với những lần sau xem hạch có tăng kích thước hay không để khi tái khám dễ thảo luận với bác sĩ.

Trường hợp áp dụng các biện pháp điều trịthông thường màbệnh vẫn không thuyên giảm nên đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị chính xác.

Một số bệnh về máu làm xuất hiện hạch to như bệnh về bạch cầu.

Kèm theo hạch to là sốt cao, lách to, xuất huyết...

Nhìn chung hạch lành tính thường gặp ở trẻ em, thường do nhiễm vi khuẩn, virus, hạch thường mềm hoặc chắc, kích thước nhỏ, phát triển chậm.

Hạch ác tính thường gặp ở người lớn tuổi, có thể ở tuổi trẻ. Hạch thường rắn hoặc chắc, kém di động, hay có hạch ở sâu, phát triển nhanh.

Trẻ cần thăm khám ngay khi: sốt cao trên 39 độ C. Trẻ khó nuốt chất lỏng hoặc khó thở chứng tỏ có sự chèn ép đường thở. Hạch to nhanh và căng bóng, biểu hiện sự sắp vỡ.

Hạch viêm cấp trong một số bệnh truyền nhiễm:

- Bạch hầu: hạch sưng to ngay từ khi mới phát bệnh, chủ yếu hạch dưới hàm, chắc, đau, kém di động, da không nóng đỏ nhưng thường nề tổ chức dưới da ở những trường hợp nặng.

- Sởi: có thể hạch to toàn thân .

- Dịch hạch thể hạch: hạch khu trú chủ yếu ở bẹn, rất đau, sưng to nhanh, chắc, kém di động vì viêm quanh hạch, da phủ ngoài nóng đỏ. Hạch có thể hóa mủ trở thành mềm nhũn, loét vỡ chảy mủ ra ngoài.

- Xoắn khuẩn lepto: hạch sưng đau ngay từ khi phát bệnh, chắc, dễ di động.

- Tăng bạch cầu đơn nhân truyền nhiễm: thường có hạch to ở sau tai, không đau, kèm theo sốt và viêm họng.

Trong trường hợp trẻ có viêm hạch và đang sốt cao, người nhà nên bình tĩnh hạ sốt cho trẻ với paracetamol đường uống (biệt dược Hapacol 80 mg, 150 mg, 250 mg, Efferalgan 150 mg, 250 mg) hoặc dạng tọa dược (Efferalgan 80 mg, 150 mg, 300 mg nhét hậu môn) với liều 10 - 15 mg cho mỗi kilogram cân nặng trước khi đưa trẻ đi khám (tránh trường hợp trẻ sốt cao quá có thể gây co giật).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ bị viêm hạch - có nguy hiểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO