Tránh việc tổ chức hoạt động hướng nghiệp như là tư vấn tuyển sinh

Như Quỳnh| 20/11/2017 15:33

KHPTO - Tìm hiểu hoạt động hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 của một số trường trung học phổ thông tại TP.HCM, ThS. Lê Thị Ngọc Thương, Trường đại học Thủ Dầu Một nhận thấy, hình thức tổ chức hướng nghiệp mang tính chất tư vấn tuyển sinh, tuyên truyền nghề nghiệp và có sự chưa hợp lý khi sử dụng tiết sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt chủ nhiệm để thực hiện hướng nghiệp.

Tuyên truyền nghề hơn là giáo dục hướng nghiệp

Theo ThS. Lê Thị Ngọc Thương, học sinh trung học phổ thông nói chung và đặc biệt là học sinh lớp 12 - là giai đoạn quan trọng xác định nghề nghiệp để bước vào đời. Do đó, hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông là vô cùng cần thiết, để hỗ trợ học sinh chọn nghề nghiệp phù hợp, phát huy được năng lực và thỏa mãn với hoạt động lao động nghề nghiệp.

Nghiên cứu cho thấy, hoạt động hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 tại một số trường THPT ở TP.HCM với bốn hình thức tổ chức thông qua “Giờ sinh hoạt lớp chủ nhiệm”, “Giờ sinh hoạt dưới cờ”, “Trao đổi thông tin với trường (trong thời gian học sinh chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký thi đại học, cao đẳng)” và “Ngày hội hướng nghiệp”.

Kết quả khảo sát thể hiện hai hình thức có mức độ tổ chức nhiều nhất là “Giao lưu với trường (trong thời gian học sinh chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký thi đại học, cao đẳng)” và “Ngày hội hướng nghiệp” với lần lượt tỉ lệ là 48,6% và 43,6%. Điều này tương ứng với tình hình thực tế khi phỏng vấn giáo viên và học sinh của trường, họ cho rằng hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 thường diễn ra định kỳ hàng năm vào khoảng tháng 1-3, nghĩa là gần với thời gian học sinh chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng. Qua đó, cho thấy hoạt động này diễn ra ở giai đoạn chọn nghề gấp rút nhưng cũng thể hiện việc hướng nghiệp phần lớn là tuyên truyền nghề hơn là giáo dục hướng nghiệp có lộ trình.

Ngoài ra, có hai hình thức hướng nghiệp được tổ chức ít hơn so với hai hình thức trên, đó là, hướng nghiệp trong “Giờ sinh hoạt dưới cờ” và “Giờ sinh hoạt lớp chủ nhiệm” với tỉ lệ 36,4% và 24%. Tỉ lệ không vượt quá 40% học sinh xác định hai hình thức này ở mức độ nhiều thì cũng cần lưu ý. Thực tế, các trường tổ chức hướng nghiệp lồng ghép trong giờ sinh hoạt dưới cờ hoặc sinh hoạt lớp, nhưng không nhiều và thường xuyên bị không đủ thời lượng một tiết học cho lớp 10 và lớp 11.

Thông qua việc khảo sát sáu nội dung mà giáo viên và chuyên viên tư vấn tâm lý của nhà trường thường thực hiện, ThS. Lê Thị Ngọc Thương nhận thấy, giáo viên hướng dẫn chọn nghề dưới hình thức tư vấn chọn trường, điểm chuẩn, tỉ lệ chọi...” là nội dung học sinh chọn ở mức nhiều với tỉ lệ cao nhất với 33,6%.

Khi giáo viên thực hiện nội dung này cho thấy khâu bổ trợ khá tốt cho phương hướng tuyên truyền nghề nghiệp, mà cụ thể là tìm hiểu thông tin điểm, kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, cần xem xét lại trong quá trình thực hiện, tránh đánh đồng hoạt động hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh.

Tiếp theo, xếp mức cao thứ hai là với 27,7% học sinh xác định “Chuyên viên tư vấn tâm lý giải đáp các thắc mắc cho học sinh khi học sinh chưa biết nên chọn nghề nào” ở mức độ nhiều. Các trường có giáo viên tư vấn tâm lý kèm hướng nghiệp thường tư vấn thắc mắc cho học sinh. Tuy nhiên, nội dung vẫn xoay quanh chủ yếu điểm thi để chọn vào ngành học và phòng tư vấn chỉ làm việc 2-3 buổi/tuần. Còn khâu giáo dục nghề nghiệp gồm đánh giá sự phù hợp của bản thân về nghề, tạo điều kiện ban đầu để học sinh phát triển năng lực tương ứng với hứng thú vẫn chưa được chú trọng.

Có 27,1% học sinh chọn “Giáo viên hoặc chuyên viên tư vấn tâm lý hướng nghiệp trong giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ”, xếp mức độ nhiều thứ ba.

Bên cạnh đó, có 47,9% học sinh chọn không có “Chuyên viên tư vấn tâm lý của trường làm việc với gia đình về việc chọn nghề cho học sinh”, xếp thứ hạng cao thứ nhất. Với tỉ lệ khá cao học sinh khẳng định hình thức này không có (xấp xỉ 50%) thì cũng rất cần cân nhắc đến mức độ thực hiện nội dung định hướng nghề nghiệp có sự kết hợp với gia đình để giúp học sinh đánh giá sự phù hợp nghề.

Kế tiếp, “Giáo viên tích hợp định hướng nghề nghiệp trong giờ học (môn GDCD, môn học khác...)” là nội dung mà học sinh chọn ở mức không có xếp cao thứ hai, với 47,6. Điều kiện thuận lợi để giáo viên bộ môn truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm chọn nghề trong môn học cũng rất tốt cho học sinh, chẳng hạn như môn vật lý thì có thể nằm trong nghề sư phạm vật lý, nghề khoa học vật liệu, vật lý hạt nhân... Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét tính chuyên môn của nội dung mà giáo viên thực hiện cho học sinh và hiệu quả tích hợp hướng nghiệp theo qui định mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong nhiệm vụ năm học.

Học sinh cần gì ở hoạt động hướng nghiệp?

Có ba kiến nghị mà học sinh đề xuất cao nhất, với tỉ lệ trên 70%.  Cụ thể là, “Giải đáp những thắc mắc về nghề nghiệp do thầy cô bộ môn thực hiện” với 72,6% học sinh chọn. Kết quả này tương ứng với việc thực tế giáo viên bộ môn ít tích hợp việc tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp vì vậy học sinh đề xuất mức cần thiết ở kiến nghị này khá cao. Từ đó, đặc điểm hướng nghiệp cho học sinh THPT không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ phòng tư vấn tâm lý mà còn nên phổ biến cho giáo viên bộ môn đứng lớp.

“Tăng thêm việc tổ chức hoạt động hướng nghiệp định kỳ cho các khối lớp 10, 11, 12 (không chỉ dành riêng cho lớp 12)” với tỉ lệ 71,3%, là kiến nghị xếp ở mức độ rất cần thiết thứ hai. Rõ ràng, điều học sinh cần là hướng nghiệp mang tính định hướng cho cả quá trình chứ không chỉ ngắn hạn, ứng phó mang tính cấp bách cho riêng giai đoạn lớp 12. Điều này cũng tương ứng với việc kiến nghị hướng nghiệp cần được triển khai cho cả học sinh ba khối lớp ở bậc THPT.

Xếp thứ ba với tỉ lệ rất cần thiết 70,4% là “Tăng thêm các hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường”. Học sinh đề xuất kiến nghị này phản ánh thực trạng các hình thức, nội dung hướng nghiệp của nhà trường phải chăng còn ít, còn chưa đáp ứng nhu cầu, cần xây dựng kế hoạch hướng nghiệp có nội dung phong phú và mang tính thực tế hơn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh việc tổ chức hoạt động hướng nghiệp như là tư vấn tuyển sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO