Tràn lan giáo trình photocopy

ANH THƯ| 09/07/2010 14:43

Mỗi ngày các tiệm photocopy xung quanh các trường đại học hoạt động hết công suất để sao chép những tài liệu học tập, bài giảng, giáo trình... và bày bán cho sinh viên công khai. Trước tình trạng này, nhiều giảng viên rất ngại viết sách, có khi vừa phát hành thì chỉ nửa ngày sau đó, sách photo đã đầy rẫy, trong khi sách in của tác giả bị… ế! <_o3a_p>

Dùng sản phẩm photo là chuyện… bình thường!

Theo tài liệu nghiên cứu của ThS. Nguyễn Ngọc Duy Mỹ, thành viên nhóm đề tài: “Biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy về sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các trường đại học lĩnh vực khoa học kinh tế”, có nêu một thực tế: sinh viên hầu như không hề cảm thấy xấu hổ về việc mua và sử dụng một sản phẩm photo một chút nào với vô vàn lý do. Các tiệm photocopy cũng chẳng giấu giếm gì về hành vi trái pháp luật của mình. Sinh viên cũng rất quen thuộc với hình ảnh một vài người (có lẽ là sinh viên) vào lớp trong giờ ra chơi để chào bán một số đĩa CD có chứa nhiều nội dung, như các bài thơ, truyện ngắn, bài hát hoặc các chương trình máy tính, các đề tài luận văn, giáo trình... với giá rất sinh viên: 6.000- 10.000 đồng/đĩa.

Theo TS. Lê Văn Hưng, khoa luật kinh tế, Trường đại học kinh tế TP.HCM, ở các trường đại học đang tồn tại tình trạng vi phạm SHTT vừa không ít về mặt số lượng, vừa phức tạp về tính chất, song điều đáng quan tâm hơn hết là thái độ của người vi phạm và thái độ của cộng đồng đại học (chủ yếu là sinh viên).

Đối với giảng viên, việc sao chép, sử dụng tài liệu của người khác nhưng không dẫn nguồn, không chú thích xuất xứ, tồn tại như một thói quen nhiều năm. Về mặt nhận thức, đại đa số đều có ý thức tôn trọng quyền SHTT, vì điều này liên quan đến danh dự - vốn là một giá trị tối quan trọng đối với giảng viên. Tuy nhiên, thói quen không dẫn nguồn, ghi chú trích dẫn, sử dụng tài liệu không biết trích dẫn từ đâu mới thực sự là gốc của vấn đề (ví dụ trích dẫn từ Internet). Các nội dung trích dẫn này xuất hiện trong các tác phẩm nghiên cứu của giảng viên và lâu dần, bản thân họ cũng nghĩ rằng chúng là của mình. Thậm chí việc sao chép phổ biến đến mức họ đã sao chép các sản phẩm mà người khác đã sao chép của một ai đó mà họ vô tình hay cố tình không muốn biết.

Vấn đề theo dõi và quản lý việc sử dụng tác phẩm khoa học của người khác vào tài liệu nghiên cứu của các nghiên cứu sinh và học viên cao học trong luận án, luận văn hiện nay cũng hầu như chỉ dựa vào người hướng dẫn đề tài. Tuy nhiên, hầu hết các giảng viên bên cạnh việc giảng dạy, họ còn phải hướng dẫn nhiều đề tài cùng một lúc nên việc kiểm soát hầu như rất khó thực hiện. Đối với đề tài, luận văn thạc sĩ và tiến sĩ thì số lượng ít, mỗi người có thể hướng dẫn khoảng 3 - 5 đề tài mỗi năm, còn đề tài tốt nghiệp đại học thì số lượng lớn hơn, vấn đề theo dõi và quản lý việc sử dụng một phần hay toàn bộ tác phẩm khoa học của người khác vào tài liệu nghiên cứu của sinh viên càng khó khăn cho người thầy.

Người nghiên cứu khoa học cần có ý thức

TS. Lê Văn Hưng cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là ý thức của người nghiên cứu khoa học, là những người nghiên cứu và tạo ra sản phẩm, chính họ phải là người đầu tiên biết tôn trọng và bảo vệ sản phẩm của mình, họ cũng phải hiểu sản phẩm của người khác cần được tôn trọng và bảo vệ như của chính mình vậy.

Đối với sinh viên, cần hình thành văn hóa ứng xử đối với quyền sở hữu trí tuệ. Sinh viên cần phải được trang bị kiến thức tối thiểu về quyền SHTT và pháp luật về bảo hộ quyền SHTT. Cho đến nay, học phần về sở hữu trí tuệ và luật sở hữu trí tuệ mới được đưa vào giảng cho sinh viên luật, chủ yếu là chuyên ngành luật kinh doanh, luật dân sự. Ở Việt Nam thời gian qua, với sự hỗ trợ của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO và Cục sở hữu trí tuệ, hoạt động thông tin tuyên truyền và đào tạo về sở hữu trí tuệ đã có một số bước tiến. Tuy nhiên, việc cần thiết có một chương trình đào tạo phổ cập về sở hữu trí tuệ cho sinh viên vẫn đang là nhu cầu thực sự. Chẳng hạn, sinh viên cần phải biết rõ những nguyên tắc cơ bản bảo hộ SHTT, các giới hạn của việc được và không được khi sử dụng tác phẩm của người khác, cách thức tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình…


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tràn lan giáo trình photocopy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO