Trăm năm Bia đá Cung đình...

27/12/2004 12:51

Bia cung đình tức những bia đá khắc những bài văn (gồm cả văn, thơ, phú, ký...) do đích thân hoàng đế ngự chế hoặc do triều đình theo lệnh vua biên soạn và khắc dựng. Bia đá và văn bia cung đình Huế thực sự là một di sản rất quý, hầu như chỉ tập trung ở kinh đô; thể hiện rõ tính chất độc đáo, tính “cung đình” của văn hóa Huế.

Thực ra văn bia cung đình Huế chỉ là một mảng trong số di sản văn khắc Hán Nôm hết sức đồ sộ và phong phú của thời Nguyễn. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử và sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, thiên tai... hiện nay tại khu vực Huế vẫn còn giữ được một số lượng rất đáng kể các tấm bia thuộc dạng này. Theo thống kê của chúng tôi, không kể hàng trăm tấm bia định danh (tức các tấm bia ghi tên công trình, tên đất, sông, núi...), ở khu vực Huế vẫn còn trên 70 tấm bia Ngự chế và khoảng 7 tấm bia cung đình được khắc dựng trong thời Nguyễn (1802-1945).

Về văn bia ngự chế

Tuy còn tới 70 tấm, nhưng so với thời kỳ Huế còn là Kinh đô, thì đã có khá nhiều bia Ngự chế bị thất lạc hoặc tiêu hủy, như 12 tấm bia thuộc “Thần kinh nhị thập cảnh” thì nay mới tìm ra 7 tấm; các bia vịnh cảnh vườn Cơ Hạ nay chỉ còn 2 tấm; 4 tấm bia vịnh cảnh Thuận An của vua Minh Mạng, bia ở lầu Kỷ Ân của vua Thiệu Trị, và các bia Tàng Thư Lâu ký, Dữ Dã Viên ký... thì đều không tìm thấy.

Không kể các bia đề danh Tiến sĩ (cả văn và võ), phần lớn trong số hơn 30 tấm bia Ngự chế còn lại đều được khắc dựng trong khoảng thời gian trị vì của 3 Hoàng đế Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), tức trong giai đoạn thịnh vượng nhất của triều Nguyễn. Đáng chú ý hơn cả là vua Thiệu Trị, tuy chỉ trị vì trong 7 năm nhưng ông lại là tác giả có số lượng văn bia nhiều nhất (14 bia). Ông vua nổi tiếng “nhiều chữ” Tự Đức chỉ đứng hàng thứ hai, tương đương với vua Minh Mạng với 6 bia.

Về mặt nội dung, có thể tạm phân văn bia Ngự chế thành một số mảng sau:

+ Thánh đức thần công bi ký: tức các tấm bia khắc các bài ký do vị vua kế vị viết để ca ngợi công đức, sự nghiệp của vị vua tiền nhiệm (thường là thân sinh của vị vua ấy). Trên 7 khu lăng của các Hoàng đế triều Nguyễn có 6 tấm bia thuộc dạng này (lăng Dục Đức không có bia), nếu kể cả 2 tấm bia tại Tẩm mộ Kiên Thái Vương thì có cả thảy 8 đơn vị. Trong số đó, bài Khiêm Cung ký tại lăng vua Tự Đức là một trường hợp đặc biệt, bởi đây là bài văn do chính vị vua này soạn cho mình; tấm bia được khắc dựng lên khi vua còn tại thế. Đây lại là tấm bia thuộc dạng lớn nhất, khắc bài văn dài nhất trong lịch sử văn bia Việt Nam. Còn 2 tấm bia tại Tẩm mộ Kiên Thái Vương cũng khá đặc biệt: tấm bia bên hữu do vua Khải Định, cháu nội ông “ngự chế ” và khắc dựng; trong khi tấm bia bên tả lại ghi nhận sự truy tôn của 3 vị vua Kiến Phúc, Đồng Khánh, Hàm Nghi (đều là con ông) đối với người cha không phải là vua nhưng lại có đến 3 người con làm vua này.

+ Đề vịnh cảnh: Loại văn bia này chủ yếu là thơ phú của các vua đề vịnh những cảnh đẹp của Huế. Nổi bật trong số này là chùm thơ đề vịnh Thần kinh nhị thập cảnhcủa vua Thiệu Trị với 7 bài. Ngoài ra còn có văn bia đề vịnh các tiểu cảnh của vườn Cơ Hạ với 2 bài Hồ Tân Liễu Lãng và Vũ Giang Thắng Tích. Các bài Thánh Duyên Tự Chiêm Lễ của vua Minh Mạng; Thuận An Tấn Ký, Thuận An Bát Thập Vận của vua Tự Đức... tuy không hoàn toàn là đề vịnh cảnh đẹp nhưng cũng có thể xếp vào dạng này.

+ Bia nêu danh các vị Tiến sĩ Văn và Võ: Đây là một dạng văn bia đặc thù chỉ có tại Văn Miếu, Võ Miếu của Kinh đô. Văn bia đề danh Tiến sĩ thời Nguyễn không có phần Dụ của Hoàng đế viết ở phần đầu như văn bia thời Lê ở Quốc Tử Giám Hà Nội nhưng chúng tôi vẫn xếp vào loại văn bia Ngự chế vì chúng đều được đích thân Hoàng đế “ân tứ”.

+ Các dạng khác: Cũng khá phong phú, gồm văn thơ khuyến học (Bia Thị Học Tịnh Tự ở Quốc Tử Giám); răn cấm hoạn quan, thái giám tham dự triều chính (Bia khắc Dụ của vua Minh Mạng, Thiệu Trị tại Văn Miếu); Bia ghi lại việc xây dựng các công trình như Quá Phổ Lợi Hà Cảm Tác của vua Thiệu Trị, Tịnh Viêm Hành Cung Bi Ký của vua Khải Định; ghi lại một kỷ niệm đáng nhớ (Bia Thác Bái châu). ..

Văn bia cung đình Nguyễn (không phải bia Ngự chế):

Loại văn bia này, xưa có lẽ có khá nhiều nhưng nay chỉ còn 7 tấm, tuy vậy nội dung cũng khá đa dạng; có bia ghi lại việc xây dựng hoặc tu bổ công trình (bia ở Hưng Miếu, bia của Bộ Công ở chùa Thiên Mụ), có bia nêu danh công thần (các bia ở Võ Miếu), cũng có bia ghi lại sự nghiệp, công lao của danh tướng (bia Đức Quốc Công từ). Bia Đức Quốc công từ do 2 đại thần Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng vâng mệnh Thái hậu Từ Dũ để soạn. Bia này còn có một phiên bản tương tự dựng tại khu mộ của ông Phạm Đăng Hưng ở Gò Công.

Vài ý kiến đề xuất

Với hơn 70 tấm bia cung đình hiện còn, Huế vẫn chứng tỏ là một trong những khu vực tập trung số lượng lớn nhất các di sản Hán Nôm dạng bia văn của nước ta. Bởi vậy, việc đầu tư nghiên cứu “trung tâm” di sản này là hết sức cần thiết. Bia cung đình thời Nguyễn nói chung và văn bia nói riêng là một loại hình di sản hết sức đáng quý nhưng cho đến nay tình trạng bảo quản, khai thác và phát huy tác dụng vẫn còn rất nhiều điều bất cập. Số bia còn lại phần lớn đều đang ở trong tình trạng bảo quản không tốt (không có nhà bia che chắn hoặc nhà bia đã bị hư hỏng); một số tấm bia quý đã bị nứt gãy (bia Thánh Đức Thần Công lăng Gia Long, bia Quá Phổ Lợi Hà Cảm Tác...), một số khác thì văn tự đã bị bào mờ hoàn toàn hoặc phần lớn (bia Thị Học Tịnh Tự, bia Thác Bái Châu, bia Quá Phổ Lợi Hà Cảm Tác...). Vì vậy, vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay là các cơ quan chức năng phải nhanh chóng có các biện pháp bảo tồn, tôn tạo một cách thích hợp.

Về mặt chất liệu và hình thức, các bia đá cung đình Nguyễn hầu hết được chế tác từ đá thanh, hình thức nói chung là đồng nhất và khác hẳn bia thời Lê ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Bia cung đình Nguyễn đều có hình chữ nhật; có trán bia, tai bia rất rõ ràng; các chi tiết trang trí được chạm khắc tỉ mỉ, công phu nên đều có giá trị cao về mỹ thuật. Các bia Nguyễn nói chung là có kích thước vừa phải, các bia đề danh Tiến sĩ thì nhỏ hơn bia thời Lê (tại Văn Miếu Hà Nội) nhiều. Nhưng các bia Thánh Đức Thần Công lại là ngoại lệ, hầu hết chúng đều rất lớn, đặc biệt là bia lăng Tự Đức được xem là lớn nhất Việt Nam như đã nói ở trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một công trình chuyên biệt nào nghiên cứu về hình thức, chất liệu và phong cách bia Nguyễn. Có thể xem đây là một thiếu sót lớn cần sớm được khắc phục.

Về mặt nội dung, văn bia cung đình thời Nguyễn nói chung đều có giá trị cao về nhiều mặt: văn bản, sử liệu, ngôn ngữ... nên đã được giới nghiên cứu rất chú ý. Khá nhiều văn bia đã được dịch và giới thiệu. Tuy nhiên, sự giới thiệu các văn bản trên còn rải rác và chưa phản ánh hết tầm quan trọng cùng ý nghĩa đặc biệt của loại hình di sản này. Những công trình tương đối bề thế mới xuất bản trong thời gian gần đây của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (như Thần kinh nhị thập cảnh - Thơ vua Thiệu Trị (1997), Khoa cử và các nhà khoa bảng thời Nguyễn (2000)... đã bước đầu giới thiệu một cách có hệ thống về loại hình di sản Hán Nôm trên nên rất cần được phát huy. Theo chúng tôi, đã đến lúc cần có một công trình quy mô để giới thiệu một cách toàn diện về di sản Hán Nôm Huế, trong đó có mảng văn bia cung đình Nguyễn.

Bên cạnh loại văn bia cung đình thời Nguyễn, tại khu vực Huế hiện nay vẫn còn lưu giữ được một số bia đá và văn bia trước thời Nguyễn rất quý như các bia Ngự chế của chúa Nguyễn Phúc Chu viết về chùa Thiên Mụ, chùa Quốc Ân, bia chùa Hà Trung, tháp sư Liễu Quán, tháp sư Tạ Nguyên Thiều, bia chùa Thiền Lâm, bia chùa Kim Sơn (nay đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Cố đô Huế), bia mộ bà Chiêu Nghi Trần Thị Xạ... Các bia này đều được khắc dựng trong khoảng thế kỷ XVII- XVIII, tức trong giai đoạn chuyển tiếp phong cách từ Lê sang Nguyễn - một giai đoạn đang rất cần được đầu tư nghiên cứu. Ngay trong thời Nguyễn, bên cạnh các bia cung đình còn có rất nhiều các bia và văn bia có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. Đó là hàng chục bia dựng tại các chùa chiền, hàng chục bia tại tẩm, mộ của các thân vương, thân huân, đại thần của triều Nguyễn. Đây cũng là những đối tượng rất cần được chú ý bảo tồn và giới thiệu rộng rãi để phát huy tác dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăm năm Bia đá Cung đình...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO