TPHCM: Tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác

Nguồn: Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh| 26/12/2021 07:24

Sáng 24/12, tham dự Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 tại đầu cầu TPHCM, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lâm Đình Thắng có bài tham luận về việc cung cấp thông tin cho báo chí trong tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) TPHCM cho biết, trong thời điểm dịch COVID-19 ngày càng lan rộng, diễn biến rất phức tạp, khó lường, số ca mắc mới trung bình 5 nghìn ca/ngày, ca tử vong luôn neo cao ở mức 3 con số/ngày. Trong 100 ngày, từ giữa tháng 6 đến hết tháng 9, cả TP đã trải qua những ngày tháng khó quên khi phải đối diện và xử lý những việc rất mới và khó, chưa ai từng gặp và tất nhiên là không thể có kinh nghiệm.

Khi áp lực từ dịch bệnh gia tăng, việc giãn cách xã hội thực hiện triệt để, các hoạt động cơ bản của TP đều phải dừng lại thì chính lúc này nhu cầu thông tin của người dân lại được đẩy lên rất cao.

Với chủ trương xuyên suốt của Trung ương và TPHCM là công khai, minh bạch, không giấu dịch, tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác từ Ban chỉ đạo các cấp. TPHCM xác định tinh thần “truyền thông an dân” phải trở thành một trong những trụ cột chống dịch, coi đây là yêu cầu quan trọng trong cuộc chiến này. Các cơ quan truyền thông được huy động tối đa, Trung tâm báo chí được TPHCM (TTBC) được giao nhiệm vụ là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trong cả 4 đợt dịch chống dịch, nhưng khoảng thời gian từ 23/8 đến 4/10/2021 là cao điểm dồn nén nhất, thời khắc “sinh-tử”.

Khi cả TP thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, người dân không được ra đường, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 23/8/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP quyết định tổ chức họp báo hàng ngày - sự kiện được báo giới đặc biệt quan tâm diễn ra vào lúc 16h tại TTBC, với sự chủ trì của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP và sự có mặt của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông.

Liên tục từ ngày 23/8 đến 4/10 đã có 39 buổi họp báo được diễn ra và đạt hiệu quả cao. Nội dung thông tin không chú trọng khẩu hiệu mà tập trung vào hành động; nhấn mạnh vào các dữ liệu, con số khách quan, khoa học, cố gắng đưa ra những phân tích khách quan nhất từ các chuyên gia hàng đầu.

Cũng trong việc thay đổi phương thức họp báo, toàn bộ tài liệu đã được số hóa và gửi trước ít nhất 15p tới phóng viên qua Email, Zalo. Để các nội dung câu hỏi được tập trung, giải đáp được những vấn đề mà báo chí quan tâm, chúng tôi đã đề nghị phóng viên phải gửi câu hỏi về Ban tổ chức trước 14h hằng ngày thông qua google form để để chuyển cho các sở, ngành có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Qua đó, chủ trì họp báo và các thành viên dự cùng trao đổi, thống nhất đầy đủ những nội dung liên quan, tránh trùng lặp, đúng trọng tâm, không làm mất thời gian của người dự họp báo. Từ khi thay đổi cách làm, hiệu quả cải thiện rõ rệt, theo đó một cuộc họp báo kéo dài trung bình 70 phút đã trả lời được 20 câu hỏi thay vì chỉ 7,8 câu như cách làm trước đây là chỉ nhận câu hỏi trực tiếp của phóng viên tại họp báo một cách thụ động. Xin nhấn mạnh là không chỉ đạt nhiều hơn về số lượng mà chất lượng câu hỏi, câu trả lời cũng có sự khác biệt.

Trong thời điểm đỉnh dịch phải đảm bảo tối đa 30 người/phòng theo quy định, vì vậy âm thanh, hình ảnh tại hội trường chính được liên thông tới tất cả các phòng họp và phòng chờ trong toàn trung tâm, giúp phóng viên có không gian tác nghiệp an toàn mà không bị chia cắt, ảnh hưởng tới việc trao đổi, tương tác trực tiếp với chủ trì họp báo. Phóng viên khi đến tác nghiệp tại TTBC đều được phục vụ miễn phí thức ăn nhẹ và có thể ở lại làm việc không hạn chế thời gian. Ngoài ra, phóng viên có thể theo dõi trực tiếp hình ảnh từ camera tại các cửa ngõ, điểm giao thông quan trọng của TP được truyền về TTBC, nhất là trong giai đoạn “Ai ở đâu thì ở đó” để có thể cùng giám sát việc chấp hành quy định của Chính phủ.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Ông Lâm Đình Thắng cũng cho biết, lần đầu tiên chính quyền TPHCM quyết định chọn hình thức tương tác trực tiếp với người dân thông qua các nền tảng mạng xã hội. Những vấn đề nóng nhất, bức xúc nhất của người dân thời điểm đó đã có địa chỉ để giải toả, đó là chương trình livestream “Dân hỏi - TP trả lời” - chương trình được sản xuất tại ngay tại Trung tâm Báo chí TP.

Giai đoạn đầu tiên từ ngày 24/8/2021 đến ngày 15/9/2021, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử là đơn vị đã đề xuất phối hợp với Sở TTTT triển khai chương trình. Chương trình đã thực hiện 15 số ngay giữa thời điểm căng thẳng nhất với các chủ đề khác nhau tập trung vào các vấn đề như an sinh xã hội, y tế, điều trị, tiêm chủng vắc xin, cứu trợ, giao thông, an ninh trật tự, kiểm soát dịch bệnh… qua đó, đã tạo ra được thế trận thông tin dựa trên 2 trụ cột, đó là khi họp báo 16h, người dân đã được cung cấp thông tin, nếu có những vấn đề gì quan tâm thì lại có thể tiếp tục tương tác với chính quyền qua MXH lúc 20h. Cách làm này tuy vất vả, nhưng thực sự hiệu quả vì tính bổ trợ cho nhau, giúp người dân TP có địa chỉ tin cậy để hỏi, chia sẻ cảm xúc hoặc bức xúc của mình với chính quyền TP ngay trong ngày.

Chương trình ngày 06/9 “Đối thoại cùng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi” có lượt tương tác cao nhất, trong đó, lượt xem cao nhất đạt 1.330.000 lượt; số lượng chia sẻ nhiều nhất: 18.087 lượt.

Đây cũng là sự kiện được các cơ quan báo chí TP và một số cơ quan báo chí lớn của Trung uơng đã bình chọn đây là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2021. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có đánh giá cao cách làm của Chương trình “Dân hỏi - TP trả lời” tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kết thúc tham luận, Giám đốc Sở TTTT TPHCM Lâm Đình Thắng nêu rõ 6 kinh nghiệm về việc cung cấp thông tin cho báo chí:

1. Phải đầu tư xây dựng được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chuyên nghiệp, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng cùng với hạ tầng cơ sở vật chất đủ mạnh như mô hình Trung tâm báo chí gắn liền với sự quản lý của Sở TTTT hoặc Ban TGTU để có thể hoạt động trong mọi hoàn cảnh, thích ứng linh hoạt với phương thức làm việc mới, đó là các hình thức cung cấp thông tin đột xuất hoặc thường xuyên thông qua họp báo trực tiếp và trực tuyến.

2. Không nên hạn chế, hoặc giấu thông tin, nhất là với những vấn đề báo chí, mạng xã hội quan tâm, có dấu hiệu trở thành điểm nóng thì phải thông tin càng sớm, càng tốt, trên tinh thần trực diện, công khai và chuyên nghiệp.

3. Những mô hình, cách làm mới trong công tác truyền thông rất cần được sự ủng hộ, tạo điều kiện tối đa từ người đứng đầu của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không thiếu công nghệ, không thiếu người có năng lực, có tâm huyết, chỉ cần người đứng đầu đặt đề bài đúng, tạo cơ chế, điều kiện thực hiện và sâu sát, quan tâm động viên đội ngũ kịp thì chính đội ngũ sẽ tạo được những sản phẩm truyền thông hiệu quả.

4. Chính quyền các cấp phải tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo Nghị định 09 của Chính phủ, người được giao trách nhiệm phát ngôn phải đầu tư thời gian để trau dồi kỹ năng để ứng xử và cung cấp thông tin cho báo chí một cách chuyên nghiệp. Tránh việc xảy ra khủng hoảng truyền thông, xử lý hậu quả (thường là không nhỏ) do người được giao phát ngôn chủ quan, không làm tròn nhiệm vụ của mình. Không nhất quán trong phát ngôn.

5. Báo chí phải chấp hành nghiêm Luật tiếp cận thông tin 2016 khi tiếp cận các văn bản của cơ quan nhà nước, nhất là phải tiếp cận có điều kiện những văn bản trao đổi, tờ trình xin ý kiến chưa được cấp thẩm quyền thông qua. Đăng phát những văn bản ở dạng này khi chưa được cấp thẩm quyền quyết định dễ dẫn đến khủng hoảng truyền thông, tác động rất lớn tới công tác điều hành và ra quyết định của chính quyền.

6. Công tác truyền thông phải được xem là một trong những vũ khí phòng chống dịch tối quan trọng bên cạnh vaccine, 5K, công nghệ. Truyền thông là để an dân, để mọi người dân thấu hiểu và nhất lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, cần phải xem đây là một mũi nhọn chủ lực và nhất thiết phải có sự đầu tư xứng đáng.

Linh Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM: Tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO