TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng kịch bản đánh giá rủi ro động đất

07/12/2007 15:13

Thực tế cho thấy, người dân tại nơi xảy ra động đất cần được cung cấp những thông tin thiết thực về trận động đất xảy ra. Quan trọng nhất là thông tin về khả năng rung động nền (về độ nguy hiểm động đất) và thông tin về khả năng bị tổn hại có thể xảy ra, như nhà cửa, người và hệ thống giao thông đô thị... (độ rủi ro động đất).

TS. Nguyễn Hồng Phương (Viện địa chất và địa vật lý biển), một chuyên gia về động đất và sóng thần và cũng là một trong những thành viên dự án xây dựng 6 đài quan trắc động đất, sóng thần quốc gia tại phía Nam, hiện đang cùng với Sở tài nguyên và môi trường TP.HCM thực hiện đề tài đánh giá rủi ro dựa trên các kịch bản động đất.

Sau khi nghiên cứu tính toán và đã thử nghiệm tại một số quận nội thành (Ba Đình và Hai Bà Trưng) ở Hà Nội, TS. Hồng Phương khẳng định có thể đánh giá định lượng các nhu cầu thông tin trên bằng cách sử dụng hệ thống công cụ tính toán và phương pháp hiện đại thế giới đang áp dụng. Đó là phương pháp tất định độ nguy hiểm động đất. Phương pháp này có tính đặc trưng bởi việc tính toán và thành lập các bản đồ rung động nền sử dụng các tham số của một trận động đất cụ thể đã xảy ra trong quá khứ, khác hẳn với cách tính xác suất. Một ứng dụng quan trọng của phương pháp này là xây dựng các mô hình tính toán theo các kịch bản động đất.

TS. Hồng Phương đã nghiên cứu từ 46 hệ thống đứt gãy có khả năng sinh chấn trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam để tìm được quy trình tổng hợp đánh giá rủi ro động đất gây ra và đã áp dụng trong thực tế. Do phần lớn các trận động đất ở Việt Nam đều có nguồn gốc bởi kiến tạo, nên mô hình được xây dựng với giả thiết nguồn phát sinh động đất là đoạn đứt gãy hoạt động. Mô hình nguồn tuyến được xây dựng trên cơ sở số liệu về các hệ thống đứt gãy sinh chấn (sự phân bố của các chấn tâm động đất dọc theo các đới đứt gãy phá hủy) và tham khảo các yếu tố khác (địa chất, địa vật lý và viễn thám...). Với các công cụ hiện đại như công nghệ GIS, phần mềm, đã có thể tính toán được khá chính xác rủi ro động đất, như thiệt hại về nhà cửa, người, các công trình, hệ thống giao thông bằng số liệu và hình ảnh. Các số liệu thiệt hại về người, hạ tầng cơ sở có thể đưa ra những con số theo tỷ lệ, mức độ thiệt hại trong khoảng thời gian nào và ở phường nào trong quận.

Hiện tại, phương pháp này đang được thực hiện thí điểm ở TP.HCM tại Q.1 và Q.3. Việc xây dựng bản đồ chi tiết phường, kết cấu nhà cửa... đã được tiến hành. Theo thỏa thuận, đề tài này thực hiện đến hết năm 2008.

Theo TS. Hồng Phương, ý nghĩa của cách đánh giá rủi ro động đất này sẽ đóng góp rất quan trọng trong công tác phân vùng động đất, quy hoạch và quản lý rủi ro động đất tại các khu vực trọng điểm và những thành phố lớn trên phạm vi cả nước.

Hiện Viện vật lý địa cầu cũng đang xây dựng bản đồ chi tiết cho các tỉnh ven biển để phòng chống động đất và các thiệt hại. O

6 địa điểm được chọn để đặt đài quan trắc

động đất và sóng thần:

- Tại TP.HCM: Đại học quốc gia tại Thủ Đức.

- Tại Đồng Nai: ấp Phú Quý, La Ngà, huyện Định Quán.

- Tại Bình Dương: ấp Rạch Đá, Định Thành, huyện Dầu Tiếng.

- Tại Bà Rịa Vũng Tàu: núi Dinh Cố, ấp Phước Trung, Tam Phước, huyện Long Điền.

- Tại An Giang: ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn.

- Tại Cà Mau: hòn Đá Bạc, Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

Mỗi trạm quan trắc chiếm khoảng 400 m2, triển khai xây dựng từ đầu năm 2008.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng kịch bản đánh giá rủi ro động đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO