TP.Hồ Chí Minh: Tăng cường đầu tư cho chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản

16/12/2006 00:02

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ, khuyến khích các nhà khoa học tăng cường hơn cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản. Ước tính kinh phí đầu tư cho nghiên cứu cơ bản trong thời điểm này khoảng gần 3 tỉ đồng/năm, kinh phí này sẽ còn tăng thêm nữa trong thời gian tới...

“NẾU CHỈ NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG MÃI SẼ... HẾT VỐN”

Theo các nhà khoa học ở các viện, trường, trung tâm nghiên cứu… trong thời gian qua chúng ta tập trung nhiều vào nghiên cứu ứng dụng (NCƯD) và cũng đã đạt được một số kết quả nhất định: hình thành được bước đầu thị trường công nghệ - thiết bị; không ít công nghệ - thiết bị do các nhà khoa học trong nước thiết kế chế tạo đã được đưa vào ứng dụng sản xuất, thay thế cho việc nhập ngoại.

Trong thời gian tới mục tiêu NCƯD sẽ vẫn tiếp tục thực hiện, tuy nhiên sẽ có một vài điều chỉnh: Tăng cường thêm việc nghiên cứu cơ bản (NCCB) - nhằm tạo nền tảng tốt hơn cho NCƯD; Đặt yêu cầu hợp lý thỏa đáng hơn cho NCƯD, không nhất thiết phải theo chỉ tiêu 90% các NCƯD sau khi được nghiệm thu sau 1 năm không cất vào “ngăn kéo” mà phải được đưa vào ứng dụng. “Có đề tài sau khi nghiên cứu xong chưa thể ứng dụng được ngay, mà cần phải có thêm thời gian hoàn thiện công nghệ, đưa vào dự án sản xuất thử nghiệm mới có thể… ứng dụng được. Nếu đặt nặng yêu cầu sau khi nghiên cứu xong phải ứng dụng ngay, và để đáp ứng được chỉ tiêu này, thì vô hình chung trong một chừng mực nào đó đề tài nghiên cứu này phải “xem nhẹ” về NCCB...” - GS.TS. Đào Văn Lượng, hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Niếu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật liệu polymer (trường Đại học Bách khoa TP.HCM) nói: “Nếu chỉ tập trung NCƯD mãi thì sau một thời gian sẽ “hết vốn”. Những đề tài đăng ký NCƯD thật ra đó là kết quả của những đề tài NCCB đã làm nhiều năm trước”. TS. Trần Hoàng Hải, Phân viện Vật lý TP.HCM chia sẻ “Công nghệ nano bây giờ đang rất nóng, ai cũng nói đến, có ai biết được hơn chục năm trước đây anh em chúng tôi đã mày mò NCCB để tạo nền tảng cho công nghệ nano hiện nay…”

Ở một góc độ khác, GS.TS. Trương Đình Kiệt, phó hiệu trưởng trường Đại học Y dược TP.HCM cho hay, có thể nói hiện nay NCCB vẫn còn nhiều bàn cãi. Xu hướng ở các nước Anh, Pháp, Mỹ thì chú trọng NCCB, nhưng Nhật thì lại quan tâm NCƯD hơn. Không ít nhận định cho rằng trong nghiên cứu khoa học nếu NCCB không tốt sẽ khó lòng đi xa. “NCCB rất đa dạng và vô tận nên chúng ta cần có sự chọn lựa ưu tiên. Trước mắt ưu tiên NCCB một số lĩnh vực phù hợp điều kiện hoàn cảnh, có vai trò quyết định cho sự phát triển của Thành phố”- ông Trương Đình Kiệt gợi ý.

CẦN MỘT CƠ CHẾ THÍCH HỢP CHO NCCB

Các nhà khoa học cho rằng nếu không có một cơ chế thích hợp thì NCCB sẽ khó phát huy tác dụng. “Làm ra một thiết bị thì thấy ngay trước mắt. Còn NCCB có khi chỉ là một sản phẩm lý thuyết đăng trên tạp chí chuyên ngành. Bài đăng báo này chưa thể phục vụ ngay cho nghiên cứu ứng dụng, mà chỉ là mở ra hướng đi cho những NCƯD về sau”- TS. Đinh Sơn Hùng, Viện Kinh tế TP.HCM trăn trở.

Theo TS. Phan Thị Sơn Hà, trường Đại học Bách khoa, phần lớn các NCCB chỉ mới là những ý tưởng khoa học nên sản phẩm này cần được sự hỗ trợ để được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trên thế giới; điều này rất cần thiết vì chúng ta cần tranh thủ thêm các nhà khoa học trên thế giới nhận xét, đánh giá, góp ý thêm cho nghiên cứu này. Cũng theo TS. Phan Thị Sơn Hà, bây giờ ít ai mà không biết tiếng của những thương hiệu Samsung, Huyndai... của Hàn Quốc. Có được điều này là do Hàn Quốc đã làm rất tốt lĩnh vực NCCB trong nhiều năm trước đây. Chúng ta đang hướng đến công nghệ cao, gần đây chúng ta hay nói nhiều đến “con chíp, bán dẫn...”. Cần phải nhanh chóng xác định rõ 1, 2 sản phẩm cụ thể, để có những kế hoạch đầu tư cho lĩnh vực NCCB tạo nên sản phẩm này.

Do NCCB là nền tảng cho NCƯD, vì vậy cũng cần có cơ chế quy định “các nhà khoa học khi tham gia hội đồng xét duyệt, nghiệm thu, phải ký cam kết không được tiết lộ thông tin của đề tài nghiên cứu”- GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn, phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật TP.HCM đề nghị.

Cơ chế tài chính là vấn đề mà hầu hết các nhà khoa học đều lo lắng. Theo các nhà khoa học việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học nói chung, hay NCCB nói riêng trong thời gian tới cần thông thoáng hơn, tốt nhất là theo cơ chế khoán sản phẩm.

“Không hoàn thành nhiệm vụ thì đền tiền, hoàn trả lại tiền. Song cần xem xét, đánh giá thỏa đáng khách quan, không nên bắt trả lại hết 100%, vì nghiên cứu nào cũng có thể thành công hoặc thất bại. Trường hợp thất bại cũng không nên xem đó là “có lỗi”. Cái cần là phải mạnh dạn, thẳng thắn nói rõ “vì sao thất bại”, để những người nghiên cứu sau không đi theo hướng đi này...”- GS.TS. Đào Văn Lượng nêu ý kiến. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hồ Chí Minh: Tăng cường đầu tư cho chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO