TP Hồ Chí Minh phát triển làng nghề thu hút khách du lịch

THANH TÂM| 08/08/2019 11:49

KHPTO - Sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh cùng với 6 làng nghề truyền thống gồm làng nghề đan Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đồng, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), làng nghề xe nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).

Cùng với đó là phát triển 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành như khô cá dứa Cần Giờ, khô cá sặt Củ Chi, tổ yến Cần Giờ và phát triển một sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền của huyện Cần giờ là sản phẩm xoài ở xã Long Hòa.

Phát triển làng nghề nông thôn gắn với du lịch đang được UBND TP.HCM chú trọng nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người dân. Thành phố xây dựng chính sách phát triển làng nghề truyền thống đặc trưng từng địa phương phục vụ du lịch.

Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo ngành du lịch và huyện ngoại thành thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp là Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè.

Năm huyện ngoại thành phát triển các làng văn hóa du lịch đặc trưng từng huyện để tạo nên điểm đến hấp dẫn cho du khách. Thành phố cũng vừa phê duyệt đề án xây dựng 6 sản phẩm chủ lực, 6 làng nghề truyền thống vùng ngoại thành.

Theo giám đốc Sở du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, huyện ngoại thành như Củ Chi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, ngoài cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, nơi đây là vùng sông rạch, sản xuất nông nghiệp đa dạng cùng với làng nghề đặc trưng.

Trong quy hoạch của ngành du lịch thành phố, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới tại Củ Chi, ngoài các khu công viên vui chơi giải trí nghỉ ngơi sẽ có các khu du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, làng nghề…

Nhằm hiện thực phát triển du lịch xanh gắn với nông nghiệp, làng nghề nông thôn, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có chuyến khảo sát các điểm du lịch như Khu di tích địa đạo Củ Chi, Đền tưởng niệm Bến Dược, Bến Đình, khảo sát mô hình du lịch kết hợp học tập và trải nghiệm tại khu du lịch Nông Trang Xanh, Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông và tham quan Trang trại cá koi Hải Thanh...

Hiện có công ty du lịch đưa khách đến Củ Chi tham quan địa đạo kết hợp tham quan điểm sinh thái, nhà vườn, nông trại xanh, khu nông nghiệp công nghệ cao, tour du lịch đường sông đến địa đạo Củ Chi và các điểm sinh thái, vườn cây trái ven sông Sài Gòn. Tour du lịch trải nghiệm “một ngày làm nông dân” tại Củ Chi kết hợp với các làng nghề truyền thống… đang thu hút du khách, nhất là các em học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề còn ít, chưa đa dạng và hấp dẫn du khách, sản phẩm làng nghề chưa phong phú và hấp dẫn. Du lịch gắn với làng nghề nông thôn đang được nhiều nước phát triển, hình thành trong tour du lịch mỗi khi du khách đến địa phương.

TP.HCM có nhiều lợi thế cho làng nghề nhưng chưa được đầu tư và nâng cấp gắn với du lịch đúng nghĩa. Thực tiễn, hoạt động du lịch nông nghiệp, làng nghề tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đã chứng minh được những hiệu quả, lợi ích mà loại hình này mang lại.

Du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề của Trung Quốc đã tiếp đón khoảng 300 triệu khách mỗi năm, doanh thu đạt khoảng 40 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,13 tỷ USD), hay tại Nhật Bản, Bộ nông - lâm - thủy sản đã thiết lập chương trình nhà nghỉ nông thôn khắp cả nước từ những năm 1990.

Tại Hàn Quốc, du lịch nông nghiệp, làng nghề hoạt động từ lâu nhằm tăng thu nhập cho người dân. Thái Lan thấy tiềm năng du lịch này nên khuyến khích đầu tư phát triển du lịch theo mô hình các trang trại, làng nghề với đầy đủ dịch vụ phục vụ du khách.

Với lợi thế là trung tâm du lịch cả nước, TP.HCM là điểm đến của đông đảo khách du lịch, vì vậy việc xây dựng mô hình du lịch gắn với hoạt động làng nghề nông thôn là cần thiết. Muốn đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với làng nghề, nông nghiệp cần phát huy thế mạnh đặc trưng. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch. Đầu tư và nâng cấp các làng nghề hướng đến phục vụ du lịch tại 5 huyện ngoại thành, gắn với nông nghiệp, nhất là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dưa lưới, hoa lan, trồng rau thủy canh, trồng nấm, hồ sinh thái nuôi cá cảnh... chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách.

LANG_NGHE_MUOI_CAN_GIO

DSC_0171

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh phát triển làng nghề thu hút khách du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO