TP.HCM: Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm

H.AN - T.TÂM| 17/03/2022 17:52

KHPTO - Hàng trăm nông dân và hàng chục doanh nghiệp, cùng nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngành nông nghiệp đã tham dự hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm trên địa bàn TP.HCM năm 2022” do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã tổ chức hôm 17/3/2022 tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.

Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm là giải pháp cần thiết và phù hợp trong nuôi trồng thủy sản, nhất là khi nghề nuôi tôm chịu nhiều áp lực về biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nước ô nhiễm… như hiện nay. Vì vậy, người nuôi tôm cần có cách quản lý tốt hơn để giảm rủi ro khi nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm tôm nuôi, đạt tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc khi cung cấp ra thị trường.

Hội thảo nhằm chuyển giao ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số trong nuôi tôm với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, phát triển theo hướng an toàn sinh học, bền vững và nâng cao đời sống của người sản xuất nông nghiệp. Hội thảo thu hút được hơn 100 nông dân tham gia, với sự góp mặt của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là chủ trương của ngành nông nghiệp tại TP.HCM. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản cung cấp giải pháp mới trong nuôi trồng thủy sản. Giúp quản lý việc nuôi trồng hiệu quả hơn từ nguồn nước, thức ăn, dịch bệnh, thuận lợi truy xuất nguồn gốc… Lý Nhơn là nơi triển khai nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thành công. Trong thời gian tới, các nhà khoa học, quán lý… sẽ đưa thêm nhiều giải pháp hỗ trợ người dân nuôi tôm, hướng tới vùng nuôi tôm chất lượng cao, bền vững tại huyện Cần Giờ, giúp họ có vụ mùa bội thu, giảm thiệt hại.

Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM - ông Đinh Minh Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Trung tâm Khuyến nông TP.HCM là đơn vị triển khai các mô hình ứng dụng, các giải pháp kỹ thuật mới cho người nông dân, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm đạt hiệu quả tối ưu.

Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP.HCM, cho hay: Thời gian qua, người nuôi tôm ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè được tiếp cận với chính sách hỗ trợ của TP.HCM nên đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. “Để chuyển đổi số trong sản xuất nuôi tôm, bà con cần thay đổi ngay từ phương pháp quản lý sản xuất, thay thế việc theo dõi, quản lý trang trại một cách truyền thống bằng cách sử dụng những phần mềm quản lý sản xuất trên điện thoại thông minh.

Người nuôi có thể dễ dàng quản lý thức ăn, quản lý hóa chất cũng như quá trình nuôi, tất cả được lưu trữ trên ứng dụng phần mềm thông qua điện thoại.

Vì vậy, việc chuyển đổi ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản là cần thiết trong thời gian tới”, ông Văn nhấn mạnh.

Hội thảo thu hút nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia.

Vấn đề chuyển đổi số trong nuôi tôm thông qua ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại sẽ giúp tăng độ chính xác trong giám sát môi trường và quản lý dịch bệnh. Nhờ đó, góp phần hệ thống hóa số liệu, giảm công lao động, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, việc nuôi thủy sản trở nên dễ dàng, giảm giá thành sản xuất và giúp người nuôi có được đầu ra chất lượng hơn.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, để sản xuất đạt hiệu quả, người dân cần xác định, nắm vững các yếu tố quyết định đến sự thành công trong nghề nuôi tôm nước lợ thâm canh và siêu thâm canh. Trong đó, phải đảm bảo một số yêu cầu cụ thể như con giống sạch bệnh, năng suất; thức ăn đạt yêu cầu, quản lý cho ăn đúng phương pháp; thiết kế, lắp đặt hệ thống ao nuôi phù hợp mật độ nuôi, thu gom xử lý chất thải, tái sử dụng nước; kiểm soát môi trường, hệ thống cung cấp oxy hiệu quả; quản lý tốt trang trại nuôi tôm, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đã giới thiệu nhiều giải pháp thiết bị công nghệ, các ứng dụng quản lý hỗ trợ nuôi tôm đạt hiệu quả đến bà con nông dân. Đây cũng là cơ hội cho người nuôi tôm tiếp cận với những công nghệ mới và được giải đáp trực tiếp những thắc mắc xung quanh vấn đề chuyển đổi số trong nuôi tôm.

Nhiều người nuôi tôm cũng bày tỏ những lo lắng, e ngại về chi phí đầu tư cũng như việc tiếp cận công nghệ mới khi chuyển đổi số trong nuôi tôm. Để giải quyết nỗi lo này, công ty sản xuất công nghệ mới Việt Nam Ambio cho biết: Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số không tốn kém như nhiều người dùng e ngại, hiện các phần mềm ứng dụng của công ty đang triển khai đến các mô hình nuôi tôm cũng rất dễ dàng sử dụng với những thao tác đơn giản, phù hợp với bà con nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, trước đây gia đình ông nuôi tôm rất trúng mùa, nhưng nhiều năm nay không dám nuôi do vụ nào cũng bấp bênh, dịch bệnh, rủi ro nên hiệu quả kém, dễ thua lỗ. “Nếu ứng dụng kỹ thuật mới, ít thiệt hại, nuôi đạt và có lời là bà con sẽ mạnh dạn làm theo. Rất mong được hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ mới cũng như được tập huấn kỹ thuật để nông dân an tâm nuôi tôm”, ông Nhân mong muốn.

Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị thông minh trong nuôi tôm.

“Trong thời gian tới, để khuyến khích người dân tham gia vào ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm mạnh mẽ, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp cùng các viện, trường nghiên cứu tạo ra thêm nhiều công cụ mới, ứng dụng thông minh, hệ thống quản lý mới để hỗ trợ bà con, giúp họ thuận tiện trong việc sử dụng, cũng như phục vụ cho chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp”, ông Đinh Minh Hiệp nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO