TP.HCM tích cực xử lý nhiều điểm đen tai nạn giao thông

Như Ngọc| 11/04/2019 14:26

KHPTO - Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn thành phố còn lại 16 điểm đen cần xem xét xử lý trong năm 2019 (tổng số điểm đen hiện nay là 19 điểm); trong 2 tháng đầu năm 2019 đã phát sinh thêm 03 điểm đen (giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Quận 1; cầu Sài Gòn 2, quận Bình Thạnh; giao lộ đường Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh, huyện Bình Chánh).

Xử lý, kiểm soát điểm nguy cơ ùn tắc giao thông: tính đến cuối 2018, trên địa bàn thành phố còn lại 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; qua theo dõi, đến tháng 2 năm 2019 có 14 điểm chuyển biến tốt, 7 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp, 7 điểm không chuyển biến.

Về chương trình giảm ngập nước, TP.HCM đã triển khai thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập, tính đến  3 tháng đầu năm 2019, thành phố đã triển khai nạo vét 128.993m lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 6.027m kênh rạch và cửa xả, sửa chữa 942 hầm ga, thay 146 m cống bị xuống cấp có khả năng sụp, mở rộng 578 miệng thu nước và thay 1.725 nắp hầm ga, nạo vét 19.656 hầm ga, nạo vét 37.572 máng của hầm ga thu nước, nâng 388 khuôn hầm ga, thay 987 khuôn hầm ga, sửa chữa máng lưỡi của hầm ga 316 cái.

Từ đầu năm đến nay, tiếp nhận 3 tuyến cống thoát nước với chiều dài 8,009 km nâng tổng số chiều dài cống thoát nước được tiếp nhận là: 152,447km so với kế hoạch 200 km, đã phát huy tác dụng, tăng năng lực thoát nước trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian chưa hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, thành phố đã tập trung đầu mối về tổ chức, bộ máy để thực hiện công tác quản lý, duy tu hạ tầng thoát nước đô thị có trọng tâm trọng điểm, kịp thời thực hiện các công trình cấp bách trong việc kết nối, mở hướng thoát nước, tăng khả năng thu nước cục bộ…, tiếp tục vận hành 1.077 van ngăn triều, 27 trạm bơm với 58 máy bơm cố định và di động (công suất từ 168 m3/h đến 84.000 m3/h, tổng công suất 302.880 m3/giờ) cùng với việc vận hành đồng bộ 5 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vận hành trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập).

Công tác xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước vẫn còn tương đối chậm, làm tăng áp lực thoát nước lên hệ thống thoát nước thành phố, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tính  đến tháng 3 năm 2019, trên địa bàn thành phố còn 19 vị trí ảnh hưởng do thi công dự án (trong quý 1 đã xử lý được 3 vị trí); 39 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, Trung tâm chống ngập đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục xử lý; 75 vị trí tuyến cống bị lấn chiếm (trong kỳ đã xử lý được 01 vị trí); 62 vị trí bị lấn chiếm hầm ga, Trung tâm chống ngập đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục xử lý; 40 vị trí bị lấn chiếm cửa xả (trong kỳ đã xử lý được 2 vị trí).

 Kết quả giải quyết các điểm ngập do triều: Thành phố đã khởi công dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), dự kiến hoàn thành tháng 12 năm 2019; sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập 4/9 tuyến đường: Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn. Cuối năm 2017, thành phố đã khởi công dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm), sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập 1/9 tuyến đường (Nguyễn Văn Hưởng).

Chương trình giảm ô nhiễm môi trường: công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh đô thị tiếp tục được quan tâm thực hiện khá tốt. Đã triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường thành phố phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; đảm bảo thu gom, vận chuyển, xử lý bình quân 9.357 tấn/ngày chất thải rắn đô thị, đạt tỷ lệ 100%. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại đi vào ổn định, đảm bảo tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại đạt 100%. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế bình quân 21,2 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 100%.

 Tiếp tục thực hiện các đợt giám sát, lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường định kỳ của thành phố; giám sát hoạt động của các trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp. Duy trì kết quả 100% khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ban hành 12 quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản 12 đơn vị với số tiền 2,9 tỷ đồng.

Tổ chức triển khai hiệu quả các quy định về phân loại rác tại nguồn. Giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn các quận huyện. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phương tiện thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Nghiên cứu xây dựng đề án hệ thống cabin vệ sinh công cộng tự động sử dụng năng lượng mặt trời với tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng Asean. Tiếp tục công tác lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện.

Xây dựng kế hoạch triển khai ngày hội sống xanh năm 2019; kế hoạch tổ chức giải thưởng môi trường thành phố; kế hoạch trường học xanh; danh mục các chương trình thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Phối hợp với thành phố Osaka (Nhật Bản) xây dựng kế hoạch thực hiện phát thải cacbon thấp năm 2019 và thực hiện dự án hệ thống dự báo mưa cho thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM tích cực xử lý nhiều điểm đen tai nạn giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO