TP.HCM thích ứng và khôi phục sản xuất nông nghiệp sau đại dịch

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)| 17/03/2022 16:21

Những biến động trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã đặt các đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản nói riêng, ngành nông nghiệp thành phố nói chung vào tình thế phải thay đổi chiến lược để thích ứng.

Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nông nghiệp vẫn được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sản xuất nông nghiệp có nhiệm vụ cung ứng một phần nhu cầu thực phẩm, tạo việc làm cho lao động các huyện ngoại thành.

Do đó, trong và sau đại dịch, ngành nông nghiệp nhanh chóng tìm cách thích nghi để khôi phục sản xuất.

Thay đổi chiến lược

Những biến động trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã đặt các đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản nói riêng, ngành nông nghiệp thành phố nói chung vào tình thế phải thay đổi chiến lược để thích ứng.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc (thành phố Thủ Đức) cho biết trong thời gian cao điểm của dịch nhận thấy việc cung cấp rau cho các siêu thị lớn đang bị chậm lại do khách hàng không thể đi vào siêu thị mua như thời điểm trước dịch, hợp tác xã Tuấn Ngọc đã chủ động ngừng hợp đồng cung cấp cho siêu thị, chuyển hướng tập trung vào các cửa hàng nhỏ đặt gần các khu dân cư, dễ tiếp cận rau đến từng hộ gia đình hơn.

Đến giai đoạn thành phố bước vào bình thường mới, người dân và doanh nghiệp từng bước thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn cùng dịch bệnh, cũng là thời điểm hợp tác xã Tuấn Ngọc quyết định thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh.

Hợp tác xã Tuấn Ngọc chuyển đổi từ trồng tập trung, số lượng lớn một số loại rau sang trồng đa dạng các loại rau có thể trồng trên cùng hệ thủy canh hiện có. Đồng thời tập trung liên kết các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố để cung cấp rau cho từng khu vực nhỏ và trực tiếp đến tay khách hàng.

Hợp tác xã Tuấn Ngọc cũng tăng cường quảng bá thông qua các kênh thương mại điện tử; tích cực tham gia các triển lãm để giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. hợp tác xã Tuấn Ngọc đã chủ động liên kết các cộng tác viên giao rau trực tiếp tại các tòa nhà chung cư để tăng sản lượng, từ đó tăng doanh thu.

Cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song các hợp tác xã tại Cần Giờ đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Thuận Yến cho biết, sau nhiều năm nuôi tôm theo mô hình truyền thống, hiện nay hợp tác xã đang triển khai mô hình nuôi tôm mới, sử dụng nhà màng nhằm hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi.

Nước thải cũng được xử lý tuần hoàn lại hồ nuôi, các chất thải khác được thu gom và tái chế làm phân bón cho cây trồng. So với việc nuôi tôm theo kỹ thuật truyền thống việc ứng dụng công nghệ mới giúp giảm thiểu rủi ro đáng kể vì có thể kiểm soát được chất lượng nguồn nước và ngăn sự xâm nhập của vi sinh vật gây hại.

Ngoài nuôi tôm, hợp tác xã Thận Yến cũng phát triển đa dạng các sản phẩm như cá dứa, nuôi và sơ chế, chế biến tổ yến, trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao để phát triển chuỗi sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Hiện nay, hợp tác xã đã xây dựng xong quy trình VietGAP, thông tin mã vạch và truy xuất nguồn gốc của các loại sản phẩm tôm thẻ tươi, khô cá dứa, dưa lưới; đăng ký thành công hồ sơ sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho sản phẩm tôm thẻ tươi.

Cần Giờ là huyện duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh có nghề làm muối với trên 1.500 ha, đây là ngành đặc trưng của huyện ven biển nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Để bám trụ với nghề truyền thống của địa phương thời gian gần đây người làm muối ở Cần Giờ đã tích cực chuyển đổi sang mô hình mới, cải thiện được chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập.

Vụ muối 2021-2022, Cần Giờ có 1.285 trong tổng số 1.552 ha muối được sản xuất theo mô hình kết tinh trên ruộng trải bạt, sản lượng muối cả vụ đạt gần 81.000 tấn.

Anh Tạ Văn Long, xã Long Hòa, Cần Giờ chia sẻ, trước đây người dân làm muối theo cách truyền thống là đào mương dẫn nước biển vào ruộng đất, tốn rất nhiều thời gian và nhân công; sản phẩm muối thường lẫn bùn đất, tối màu nên giá bán không cao.

Hiện nay người làm muối đã chuyển qua sử dụng ruộng trải bạt và dùng máy bơm đưa nước vào ruộng. Nhờ đó giảm được một nửa lượng nhân công, muối thành phẩm có màu trắng, ít tạp chất, bán được giá hơn.

Thị trường khởi sắc trở lại

Sau thời gian “ngủ đông” nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hoa lan, cá cảnh đang trên đà phục hồi, tạo động lực để các nhà vườn, trang trại mạnh dạn khôi phục và mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Thiện Nhu, Tổng quản lý trang trại hoa lan Ngọc Đan Vy cho biết, từ khi “bình thường mới” tiêu thụ hoa lan rất khả quan, do đó nhà vườn tập trung chăm sóc và cấy mới để đủ hoa cung cấp cho thị trường.

Nông dân xã Long Hòa, huyện Cần Giờ thu hoạch muối. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN).

Thời gian từ khi cấy phôi đến khi cây cho hoa phải mất 8-10 tháng. Với quy mô hơn 600.000 chậu lan, mỗi năm chuỗi trang trại Ngọc Đan Vy cung ứng ra thị trường 400.000-450.000 sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong nước.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhu, nhu cầu tiêu dùng hoa lan rất đa dạng, tuy nhiên các sản phẩm của nhà vườn hiện nay chưa đáp ứng được cả về số lượng và chủng loại nên doanh thu còn hạn chế.

Nhận thấy tiềm năng thị trường lớn, nhà vườn đang tiếp tục đầu tư thêm 2 nhà vườn mới để tăng số lượng, đồng thời đầu tư nghiên cứu để đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Các thành viên tổ hợp tác cá cảnh xã Bình Lợi cũng mạnh dạn thả nuôi các loại cá chép Koi, cá chép Nhật và cá chép Nam Dương với tổng diện tích 18ha.

Để có con giống nuôi và cung cấp cho nông dân nuôi với giá rẻ, không phải phụ thuộc vào nơi khác và cá con ép tại địa phương phù hợp với khí hậu, nguồn nước, tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hồ, mái che, nhập cá giống bố, mẹ về ép giống để cung cấp ra thị trường, hỗ trợ con giống cho nông dân tại địa phương.

Anh Nguyễn Phạm Tấn Công, thành viên tổ hợp tác cá cảnh Bình Lợi chia sẻ, hiện nay khả năng tiêu thụ các loại cá cảnh đã ổn định, dù chưa thể quay lại sức mua trước khi có dịch COVID-19 nhưng vẫn cho thu nhập của ổn định cao hơn 3-5 lần so với trồng lúa. Cá cảnh xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với tiêu thụ trong nước.

Cụ thể, cá cảnh cung cấp cho các đầu mối tại Việt Nam có giá chỉ 250.000-300.000 đồng/kg thì cá xuất khẩu được tính từng con với giá có thể lên tới 3-5 triệu đồng/con.

Nhận thấy giá trị kinh tế từ nuôi cá cảnh xuất khẩu, các thành viên tổ hợp tác mạnh dạn thả nuôi và thực hiện quy trình khép kín từ con giống, nguồn nước, thức ăn, định kỳ thực hiện lấy mẫu test vi sinh vật và dịch bệnh để tăng số lượng cá xuất khẩu thay vì bán sỉ cho các đầu mối phân phối tiêu thụ trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM thích ứng và khôi phục sản xuất nông nghiệp sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO