TP.HCM phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Hồng Dung| 28/09/2017 10:34

KHPT - Sáng 26/9, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo khoa học đánh giá hiện trạng phát triển TP.HCM theo định hướng phát triển bền vững trong khuôn khổ đề tài khoa học “TP.HCM hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học với nhiều ý kiến phân tích, đánh giá sâu sắc, góp phần nâng cao giá trị khoa học của đề tài, hướng đến mục tiêu phát triển thành phố bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp hội, chủ nghiệm đề tài đã nêu ra một số cảm nhận về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc năm 2015. Trong đó, ở mục tiêu 4, giáo sư nói: “Tỷ lệ biết chữ ở Việt Nam là 97% nhưng chỉ 1/3 lực lượng lao động là tốt nghiệp phổ thông trung học. Điều này dẫn đến năng suất lao động công nghiệp Việt Nam thấp. Có thể nói, Việt Nam đang “mắc kẹt” trong hệ thống giáo dục, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc. Thực tế này dẫn đến tình trạng - di tản giáo dục. Có thể thấy điều này qua số lượng du học sinh tại Nhật đã tăng 12 lần trong 6 năm, đạt con số 54.000 vào tháng 5/2016”.

GS. Nguyễn Ngọc Giao cũng nhấn mạnh: “Trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế con người, mà chỉ hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn, đưa quyết định đúng đắn hơn. Vì vậy, chăm lo sự phát triển trí tuệ của đất nước, mà phản ánh rõ nhất là sự đổi mới sáng tạo mới chính là chìa khóa của CMCN 4.0. Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong đổi mới / sáng tạo thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được, chỉ có thể bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác, trong khi những trí tuệ ưu tú không có điều kiện để phát huy, buộc phải đem bán rẻ đi làm thuê hoặc phải tìm cách ra nước ngoài”.

Trong bài tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, phó chủ tịch Liên hiệp hội, cho rằng: “Những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững xã hội, có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trong xã hội vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa nhóm người giàu với đa số người lao động là nghèo (khoảng cách giàu - nghèo hiện nay ở TP.HCM khoảng 7 - 8 lần). Thứ hai, áp lực với dân số quá lớn, trong khi quy hoạch và quản lý đô thị lạc hậu, không theo kịp với tốc độ và quy mô đô thị hóa, với phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta còn nhiều “lúng túng” chưa biết cách nào để quản lý phát triển siêu đô thị hơn 10 triệu dân. Trong khi đó, nguồn vốn, năng lực tổ chức, điều hành, quản lý của thành phố có hạn. Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm; tình trạng ngập úng đô thị trong thời điểm có mưa to và năng lực thấp trong xử lý môi trường đã và đang là vấn đề nan giải của thành phố... Chính những yếu tố trên luôn tồn tại, tác động đan xen nhau tạo ra sức cộng hưởng làm suy giảm phát triển bền vững xã hội ở thành phố.

TS.KTS. Nguyễn Thiềm, ủy viên Ban thường vụ Liên hiệp hội nhận định: “Chỉ mới năm 2017, nhưng dân số thành phố đã vượt qua con số 10 triệu của mốc 2025. Nhiều chỉ số của cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng đã vượt qua các chỉ tiêu đã được phê duyệt như hành khách sân bay Tân Sơn Nhất đã cán mốc 25 triệu so với 20 triệu của quyết định phê duyệt tới năm 2025. Như vậy, thành phố đã phát triển quá nhanh so với quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đây là bài toán mới cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Khoác cái áo may cho 10 triệu dân đến năm 2025 nhưng nhiều chỗ đã bục, đã rách. Từ quá tải đang ám ảnh bởi thực tế cái áo đã quá chật”.

KTS. Thiềm cho rằng, để xây dựng thành phố thông minh, thành phố đáng sống, thành phố cần đổi mới tư duy trong cạnh tranh phát triển giữa thành phố của các nước trong khu vực và thế giới. Lấy tư duy “dẫn đầu”- tạo sự kích thích, vươn lên để tạo thêm động lực và sức mạnh cho thành phố phát triển.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, sự mất cân đối nghiêm trọng giữa dân số, mật độ với sức chứa của hạ tầng kỹ thuật, chính là vấn đề nóng quá tải giao thông. Ngoài ra còn có hàng loạt lĩnh vực quá tải khác như thoát nước, y tế, giáo dục, ô nhiễm công nghiệp và rác thải sinh hoạt, tệ nạn xã hội không giảm... Tất cả những lĩnh vực quá tải này đều nằm trong 10 yếu tố tạo nên chất lượng sống và đang có tác động tiêu cực đến phát triển bền vững của thành phố. Chính vì vậy, Mercer 2017 đã xếp chất lượng sống của TP.HCM đứng thứ 152/230 thành phố trên thế giới.

“7 chương trình đột phá của TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã đi được nửa đoạn đường - nhưng ngay khi bắt đầu thực hiện đã vấp phải những thách thức rất lớn trên cả ba mặt: thiếu tài lực (vốn đầu tư), nhân lực (lao động tay nghề cao) và trí lực (quản lý và trách nhiệm). Cụ thể, 7 chương trình đột phá đều đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn nhưng phần thu ngân sách mà thành phố được giữ lại phải giảm từ 23% xuống còn 18% - đây là khó khăn rất lớn và đột ngột”, TS. Nguyên nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM phát triển nhanh nhưng chưa bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO