TP.HCM kết nối sản xuất và cung ứng cây giống cấy mô

V.T| 03/01/2019 12:57

KHPTO - Theo ông Dương Hoa Xô - phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố, giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học - trên địa bàn thành phố hiện có 35 phòng cấy mô, chủ yếu là Trung tâm công nghệ sinh học - Khu nông nghiệp công nghệ cao, các viện, trường... với số lượng sản xuất trên 16 triệu cây/năm (chủ yếu giống lan), cung ứng cho 240 ha.

Các giống cấy mô như lan Dendrobium các loại, lan rừng, hoa chuông...; các giống kiểng nền, kiểng lá, cây dược liệu đinh lăng, sâm Ngọc Linh, chuối, dừa sáp, bạch đàn, hồ tiêu...

Hiện các giống cây tiêu thụ tại thành phố và các địa phương khác, thông qua hợp đồng. Đối với Trung tâm công nghệ sinh học, tính đến tháng 6/2018 đã sưu tập được 5 giống rau địa phương, 4 giống rau rừng, 365 giống lan, 109 giống hoa nền, 137 giống kiểng lá, 141 giống dược liệu. Kết quả trồng khảo nghiệm và đánh giá cho thấy hầu hết các giống sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu tại TP.HCM. Đây là nguồn vật liệu có giá trị phục vụ cho sản xuất và lai tạo giống mới.

Đã tạo thành công 71 tổ hợp lai hữu tính hoa lan, đã đánh giá 20 dòng lan lai mới (Dendrobium) và chọn được 6 dòng có triển vọng đã được Cục trồng trọt chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký bảo hộ. Nghiên cứu tạo được dòng lan Dendrobium có khả năng kháng virus khảm vàng bằng kỹ thuật chuyển gen. Nghiên cứu tạo dòng hoa chuông mới bằng phương pháp chiếu xạ và chọn lọc được 18 dòng biến dị, trong đó 6 dòng biểu hiện biến dị in vitro và 10 dòng dị kiểu hình hoa ngoài vườn... Ngoài ra, trung tâm còn nghiên cứu thành công các loại giống dưa leo kháng khuẩn, tạo dòng thuần giống dưa lưới, cà chua bi, ớt ngọt, dâu tây… Hoàn thiện quy trình nhân nhanh sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh trên hệ thống ngập chìm tạm thời (TIS) và Bioreactor… với năng lực sản xuất, cung ứng cây giống cấy mô trên 1 triệu cây/năm.

GS.TS. Nguyễn Quang Thạch - viện trưởng Viện sinh học nông nghiệp Nguyễn Tất Thành, chủ tịch Hội sinh lý học thực vật Việt Nam - cho biết: Công nghệ nhân giống in vitro là một lĩnh vực phát triển rõ nét và rộng rãi nhất trong công nghệ sinh học Việt Nam, thu được nhiều thành tựu cụ thể, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, đã xây dựng được quy trình nhân giống cho hầu hết các loại cây có thể nhân giống vô tính: cây hoa cảnh, cây ăn trái, cây lâm nghiệp, cây dược liệu, đã sản xuất được một số lượng lớn cây giống, đã tạo một tập quán mới về sử dụng cây giống nuôi cấy mô trong sản xuất như một loại cây giống có nhiều ưu việt.

Để nhân giống in vitro cây lan thành công thì theo ông Thạch, cần quan tâm: trước tiên là thị trường, phải có thị trường thì mới sản xuất; phải có bộ mẫu giống chuẩn, nắm vững nguồn gốc và tuyệt đối sạch bệnh virus. Để tạo ra con lai cần nắm vững nguồn gốc về cây bố và mẹ, phân loại hoa căn cứ vào màu sắc và kích thước. Các cây giống nuôi cấy mô tạo ra phải tuyệt đối sạch bệnh, phòng tránh các bệnh đặc trưng trên lan. Cần có quy trình nhân giống chuẩn: chủ yếu sử dụng phương pháp mericlone, nếu nhân giống bằng hạt chỉ sử dụng hạt lai F1; không cấy chuyền nhiều lần (không quá 8 lần); cần trang bị đầy đủ hệ thống nhà trồng với các cơ sở vật chất cần thiết như: bể xử lý giá thể, nhà ươm cây các độ tuổi, nhà xử lý ra mầm hoa, nhà nuôi cây thương phẩm.

Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề đặt ra từ những đại biểu tham gia hội thảo như: Cây lan cấy mô rất dễ bị bệnh nhiễm virus do sử dụng nguồn giống không sạch bệnh; Khó khăn lớn nhất ở cấy mô lan là giai đoạn hậu cấy mô, vì người trồng thì chưa có đủ năng lực và trình độ kỹ thuật để chăm sóc, còn người sản xuất thì không đủ điều kiện về vốn, đất đai...; Cần được hỗ trợ quy trình sản xuất, quy trình nhân giống lan cấy mô; Cần tăng cường phương pháp nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để cho ra sản phẩm cây giống sạch bệnh; Các phòng cấy mô khi đưa sản phẩm ra thị trường cần có nhãn mác, hình ảnh minh họa về đặc điểm hoa, thời gian ra hoa, màu, kích thước, đường kính, chế độ chăm sóc... để người mua có thể chọn lựa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM kết nối sản xuất và cung ứng cây giống cấy mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO