TP.HCM đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa nông nghiệp

THANH HOÀI| 26/06/2018 10:10

KHPTO - Để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) của Đảng bộ TP.HCM, UBND thành phố đã ban hành chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Mục tiêu của chương trình là nhằm: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố” - như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra.

Định hướng trên của thành phố còn phù hợp và góp phần triển khai đường lối “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã xác định.

Để thực hiện, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, cụ thể: TP.HCM sẽ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất rau, hoa, cây kiểng, chăn nuôi, thủy sản tập trung để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư.

Trong giải pháp này, thành phố xác định ưu tiên cho các huyện còn đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 như Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ.

Thành phố cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hoàn thiện về tổ chức, chuyển giao công nghệ sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hàng hóa để phát huy lợi thế về sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Song song đó, TP.HCM sẽ tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để có thể đưa vào phục vụ nông nghiệp, phối hợp với các sở, ban ngành, viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài tập hợp các dữ liệu, tài liệu, mô hình đã có.

Thành phố cam kết dành một khoản kinh phí hàng năm cho nghiên cứu trong chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn kinh phí của Sở khoa học và công nghệ.

Ngoài ra sẽ tổ chức tiếp nhận việc chuyển giao một số công nghệ cao từ nước ngoài phù hợp với điều kiện ứng dụng tại TP.HCM thông qua Sàn giao dịch công nghệ thành phố.

Để thực hiện những việc trên, TP.HCM đặt ra mục tiêu phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách tuyển chọn sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ có năng lực để đào tạo dài hạn trong và ngoài nước (được đài thọ toàn phần hay một phần học phí) nhằm hình thành đội ngũ chuyên viên, chuyên gia về công nghệ sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế tạo máy móc phục vụ cho sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Dự kiến đào tạo dài hạn ở nước ngoài (20 - 25 thạc sĩ, tiến sĩ), đào tạo ngắn hạn trong nước (40 cán bộ kỹ thuật), đào tạo ngắn hạn nâng cao ở nước ngoài (16 lượt cán bộ kỹ thuật).

Để thu hút “chất xám” trong lĩnh vực này, thành phố sẽ hợp đồng, hợp tác với các chuyên gia, các nhà khoa học và chuyên gia quản lý có trình độ cao, am hiểu điều kiện phát triển nông nghiệp của thành phố, có khả năng đưa ra các giải pháp công nghệ nhằm ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, thành phố khẳng định sẽ thiết lập các cơ chế chính sách, hỗ trợ về nguồn vốn, các giải pháp phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp và trong thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO