TP.HCM: Ðặt mục tiêu khống chế bệnh tiểu đường dưới 12% vào năm 2020

P.V| 21/09/2017 16:09

KHPT-Đó là một trong nhiều mục tiêu về dinh dưỡng và sức khỏe của UBND-TP.HCM đề ra từ nay đến năm 2020 (nằm trong chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020).

Trong những năm qua, TP.HCM đã phát triển nhanh về kinh tế, xã hội, và cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân TP.

Nhiều mục tiêu của kế hoạch chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TP.HCM đều đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng, thiếu vitamin A tại TP... luôn duy trì ở mức thấp trong cả nước, đóng góp tích cực trong việc giảm tỷ lệ chung của cả nước.

Cụ thể như tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em thể nhẹ cân giảm từ 6,8%/năm (vào năm 2010) còn 4,1% (năm 2015); suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 7,8% xuống còn 6,4%. Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 49 tuổi) đã giảm từ 11,5% (năm 2011) xuống còn 9,7% (năm 2015).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ tuổi học đường cũng giảm đáng kể ở tất cả các cấp học. Suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học giảm từ 3,5% (năm 2009) còn 2,3 % (năm 2014); ở học sinh trung học cơ sở là 6,6% xuống còn 3,8%, và ở học sinh trung học phổ thông là từ 10,7% giảm còn 7,8%.

Đặc biệt là chiều cao trung bình hiện nay của học sinh thành phố cũng đã tăng từ 0,6 đến 1,4 cm (ở nam sinh) và 0,4 đến 3,9 cm (ở nữ sinh) so với năm 2009.

Kết quả về phòng chống các rối loạn do thiếu hụt iod cũng đạt được khả quan. Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iod đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đã tăng từ 64,4% (năm 2010) lên đến 86,6% (năm 2015) đạt 96,2% so với chỉ tiêu chương trình.

Tuy nhiên theo đánh giá của UBND-TP.HCM, bên cạnh các thành tựu về dinh dưỡng như vừa nêu trên, hiện nay TP cũng đang phải đối diện với các thách thức lớn về dinh dưỡng và sức khỏe của người dân. Đó là sự thay đổi lối sống theo chiều hướng không có lợi cho sức khỏe, tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây như tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường), tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, loãng xương… đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của người bệnh nằm bệnh viện khá cao, trong khi nguồn lực thực hiện công tác dinh dưỡng tiết chế còn thiếu và yếu.

Tình trạng thừa cân béo phì ở các lứa tuổi vẫn tiếp tục tăng. Tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh vào năm 2014 đã tăng đến 41,4%. Đáng chú ý là tình trạng tăng huyết áp đã xuất hiện ở học sinh với tỷ lệ 15,4% (năm 2014) chứng tỏ bệnh mãn tính đã bắt đầu trẻ hóa.

Theo đó, trong kế hoạch hành động về dinh dưỡng và sức khỏe TP.HCM từ nay đến năm 2020, TP sẽ tập trung thực hiện một số nội dung như: đến năm 2020, bữa ăn của người dân sẽ được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh, hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, kiểm soát có hiệu quả các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Một số mục tiêu TP.HCM tập trung phấn đấu thực hiện là:

- Kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân béo phì, khống chế và duy trì thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 12% đến năm 2020. Béo phì ở học sinh dưới 25% đến năm 2020. Thừa cân béo phì ở người lớn đến năm 2020 phải dưới 35%

- Kiểm soát có hiệu quả các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành. Khống chế bệnh tiểu đường ở người trưởng thành dưới 12% vào năm 2020. Vào năm 2020, tỷ lệ người trưởng thành có béo bụng cũng phải kéo giảm dưới 30%; người trưởng thành có triglycerid cao phải dưới 40%; người trưởng thành bị rối loạn chuyển hóa đường (rối loạn dung nạp đường và rối loạn đường huyết lúc đói) cũng phải dưới tỉ lệ 35%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Ðặt mục tiêu khống chế bệnh tiểu đường dưới 12% vào năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO