Tình hình sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 17/08/2017 15:51

KHPTO - Tại buổi họp về báo cáo tình hình phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM vào chiều ngày 16/8/2017, BS. Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM – cho biết, đến ngày 13/8/2017, TP.HCM có 12.291 ca sốt xuất huyết (SXH) nhập viện, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 4 ca tử vong. Đánh giá chung cho thấy, tình hình SXH đến thời điểm này vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại một số quận huyện như Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức, quận 12 ...

Điều báo động về tình hình SXH năm nay, đó là trong khi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên giảm rõ rệt các ca mắc so với năm 2016 thì tại miền Nam lại tăng đến trên 30%. Cụ thể, số ca mắc đến thời điểm này là 39.473 ca so với 30.269 vào năm 2016. Các tỉnh thành có số ca mắc/100.000 dân cao gồm có Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, TP.HCM, Bình Phước, Sóc Trăng ...

Thừa nhận một số khó khăn, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng chống SXH hiện nay, TS. Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở y tế TP.HCM cho biết – công tác phòng chống dịch bệnh SXH phải xuất phát từ y tế tuyến cơ sở, tuy nhiên năng lực xác định vấn đề và những giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương của tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, tâm lý sợ “không đủ bài” nên các phường, xã thậm chí cả các quận, huyện thường đem nguyên văn hướng dẫn của tuyến trên áp vào hoạt động của địa phương dẫn đến không tham mưu cho chính quyền những hành động cụ thể.

Chính quyền các cấp, mặc dù quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đòi hỏi các cơ quan tham mưu đưa ra những giải pháp cụ thể nên chưa tạo nên những chuyển biến trong thực tiễn. Mặt khác, việc chậm trễ trong triển khai xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi để phát sinh lăng quăng gây dịch SXH cũng là một trong những hạn chế của hoạt động phòng chống SXH.

Các đoàn thể chưa xem tổ chức của mình là một thành phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch tại cộng đồng, sự tham gia của các đoàn thể chỉ dừng ở mức cử thành viên tham gia một số hoạt động phong trào, chưa thực sự đưa hoạt động phòng chống SXH vào sinh hoạt định kỳ của tổ chức.

Nhiều người dân mặc dù biết sự nguy hiểm của bệnh SXH, thậm chí biết cả về đường lây truyền và các biện pháp phòng bệnh nhưng phần nhiều vẫn còn ỷ lại vào sự can thiệp của chính quyền và chưa tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH. Đây là một thách thức lớn đối với chính quyền trong truyền thông thay đổi hành vi của người dân.

Vì thế, trong thời gian tới tại TP.HCM, Sở y tế cho biết sẽ đẩy mạnh các giải pháp trước mắt như: thực hiện diệt lăng quăng triệt để tại các ổ dịch; kiểm soát các điểm nguy cơ; đẩy mạnh truyền thông nguy cơ; triển khai mô hình cộng tác viên trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Về lâu dài, sẽ tổ chức hoạt động kiểm soát nguy cơ SXH, giao cho ban ngành đoàn thể phụ trách theo lĩnh vực; đề xuất có giải pháp đối với nơi quy hoạch treo; cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom rác; truyền thông thay đổi hành vi và đẩy mạnh việc xử phạt v.v...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình hình sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO