Tìm hiểu về tảo spirulina

11/11/2008 17:03

Spirulina do nhà nghiên cứu người Đức, Deurben đặt tên năm 1827, trên cơ sở hình thái đặc trưng nhất là dạng sợi xoắn ốc của tảo. Sau này nó được các chuyên gia phân loại học thống nhất tên khoa học đầy đủ: ngành Cyanophyta (thực vật lục - lam), lớp Hormogoniophyceae, bộ Oscillatoriales (tảo tràng hạt), họ Oscillatoriaceae, chi Spirulina (tảo xoắn).

Phân loại và tên gọi

Chi Spirulina có nhiều loài (35 loài) đã được phát hiện, hai loài có nguồn gốc châu Phi và Nam Mỹ là: S.geitleri (S. maxima) và S. platensis được nghiên cứu đầu tiên, nhiều nhất. Ở Việt Nam, giống đư­ợc nghiên cứu đầu tiên, lưu giữ ở Viện sinh vật học, là S. platensis (Gom) Geitler do Pháp cung cấp. Cũng theo khảo sát của viện này, ở nước ta đã thấy 10 loài Spirulina. Các loài Spirulina trên sống tự nhiên trong ao, hồ, ruộng lúa, sông ngòi, đơn độc hay kết thành đám trên mặt nước. Đặc biệt khoảng giữa năm 1994, S. platensis phát triển mạnh ở hồ Bảy Mẫu (Hà Nội), có thể vớt được rất nhiều tảo khô mỗi ngày nắng hè.

Trong cách phân loại, đặt tên khoa học thường các đặc tính quan trọng nhất về hình thái, kiểu dinh dưỡng, tế bào học và cấu trúc gen di truyền được biểu đạt ngắn gọn nhất. Tên Spirulina do gốc từ Latinh và Anh ngữ “Spiral” có nghĩa là “xoắn”, do tảo này có dạng tiêu biểu nhất là sợi xoắn ốc, nên còn gọi là tảo xoắn, hay tạo dạng xoắn. Người Nhật Bản chuyển từ “tảo xoắn” thành rasenmo, tương tự người Pháp gọi là Spirulines. Ở Việt Nam nó cũng có nhiều tên gọi: vi tảo Spirulina, tảo xoắn xanh, tảo lục - lam, nhưng tên Spirulina vẫn thông dụng nhất.

Trong cách phân loại mới hiện nay tảo Spirulina được xếp vào ngành vi khuẩn (Bacteriophyta), trên các ngành tảo khác, thay cho xếp chung vào ngành tảo như cũ, lý do của sự thay đổi hợp lý này là các nghiên cứu (những năm 1970 - 1980), thấy các tảo lam có nhiều đặc điểm chung với vi khuẩn như: nhân chưa hoàn chỉnh (tiền nhân), nhân chưa có màng, không có ty thể và lục lạp… Tên mới dần thông dụng của Spirulina là vi khuẩn lục lam Spirulina.

Do đặc điểm có thể di động được trong môi trường nước, Spirulina còn đ­ược gọi là phiêu sinh vật (Spirulina plankton - thực vật trôi nổi, phiêu sinh). Tên gọi mô tả này nhằm phân biệt với động vật phiêu sinh, di động thực sự với cơ quan chuyên biệt: tiêm mao của vi khuẩn, vây của cá.

Hình dạng, kích thước và cấu tạo tế bào của Spirulina

Trong các hồ tảo sống tự nhiên hay nhân tạo, với mắt thường đó là một hồ nước xanh lục hay xanh lam tuyệt đẹp dưới ánh nắng mặt trời. Hình dạng của Spirulina chỉ thấy rõ khi quan sát dưới kính hiển vi. Đó là những sợi tảo có màu xanh lục lam, xoắn kiểu lò xo, với các vòng xoắn khá đều nhau, nhưng ở cuối hai đầu sợi thường hẹp, mút lại. Đây là dạng chuẩn nhất. Tuy vậy theo quan sát của chúng tôi, và đối chiếu với các tài liệu, thì tùy chu kỳ sinh dưỡng phát triển (cường độ ánh sáng, nhiệt độ môi trường)... mà hình dạng có thể xoắn kiểu chữ C, S... Sợi tảo không phân nhánh, không có bao và không có dị bào. Các dạng này có chiều dài rất thay đổi, ngay trong một dạng, chiều dài mỗi sợi cũng khác nhau, ví dụ sợi uốn sóng có thể dài 5 - 7 nếp gấp, cũng có thể đến 27 nếp gấp.

Hiện tượng biến dạng nói lên khả năng thích nghi với môi trường mà vi sinh vật cổ xưa này có được qua hàng triệu năm tiến hóa chọn lọc tự nhiên. Dạng xoắn thường giữ được trong phòng nghiên cứu, sang môi trường nuôi đại trà, nó thường biến thành dạng thẳng, tỷ lệ xoắn - thẳng khoảng 15 - 85.

Theo nghiên cứu của THS. DS. LÊ VĂN LÃNG,

khoa dược, Đại học y dược TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu về tảo spirulina
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO