Tìm hiểu ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

N.Q| 29/05/2019 18:12

KHPTO - Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa.

Theo khoa cơ khí, Trường đại học bách khoa TP.HCM, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng chuyên môn và thái độ chuyên nghiệp làm nền tảng vững chắc cho sự thành công của kỹ sư logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp. Mục tiêu hướng đến của ngành là đào tạo kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực này; có kiến thức, kỹ năng, và thái độ phù hợp để phân tích, đánh giá, thiết kế, vận hành, và cải tiến các hệ thống logistics và chuỗi cung ứng.

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng ở Việt Nam luôn được các chuyên gia đánh giá rất có triển vọng, vấn đề nguồn nhân lực được đặt ra rất bức xúc và đặt lên hàng đầu. Ở Mỹ, các trường đại học hàng đầu đều cung cấp các chương trình đào tạo lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngành logistics có xu hướng phát triển, tiếp tục cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Mức thu nhập của ngành cao hơn mặt bằng chung, song nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.

Kỹ sư và thạc sĩ tốt nghiệp được săn đón với chính sách ưu đãi rất cao từ các doanh nghiệp nước ngoài như DHL, OOCL, Samsung, Unilever Vietnam, Bosh, Jabil Vietnam, Nestle, Big C..., hay các doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Vietnam Airline, VietJet, Saigon Coop, Bia Sài Gòn, Saigon Port, Ben Nghe Port... và các cơ quan nhà nước.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phù hợp xu thế phát triển mới của đất nước, đáp ứng các quy định của Nhà nước, cơ quan chủ quản, và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu các bên liên quan trọng yếu, từ đó giữ vững và phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, Trường đại học bách khoa TP.HCM chủ trương cung cấp các chương trình đào tạo (CTĐT) tiên tiến, cập nhật. Do đó, sau khi hoàn thành một chu kỳ đào tạo, nhà trường sẽ tiến hành rà soát, đánh giá CTĐT nhằm cập nhật và đổi mới trên phạm vi toàn trường. Cụ thể, trong những năm gần đây, nhà trường đã đổi mới CTĐT vào các năm 2002, 2008, và 2014. Quá trình này có sự tham gia của các bên liên quan trọng yếu như: nhà sử dụng lao động, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên, dựa trên các quy định của Luật giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản. Trong lần đổi mới CTĐT vào năm 2014, nhà trường áp dụng mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate), để xây dựng CTĐT nhằm giúp người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội và các bên liên quan về kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, nhà trường cho phép thay đổi và hiệu chỉnh nhỏ nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát sinh mới và cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO