Tìm hiểu năng lực giáo dục con của cha mẹ học sinh

Anh Thư| 29/07/2017 16:24

KHPTO - Giáo dục gia đình đặc biệt giáo dục của cha mẹ có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi một cá nhân. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng được trang bị một cách đầy đủ về kiến thức, về phương pháp giáo dục con và cũng không có bậc cha mẹ nào được đào tạo một cách đầy đủ về việc giáo dục con cái. Vì vậy, nghiên cứu “Thực trạng một số năng lực giáo dục con của cha mẹ học sinh trung học cơ sở” đã được tác giả Vũ Thị Khánh Linh, Trường đại học sư phạm Hà Nội nghiên cứu.

Giáo dục con trong gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên và hình thành nhân cách của trẻ. Trong thời đại đầy đủ tiện nghi vật chất ngày nay, nhiều trẻ bị cuốn vào nhịp sống nhanh với Internet, game online, những tệ nạn xã hội. . . Hơn lúc nào hết, các em rất cần sự bảo ban, dạy dỗ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của các bậc làm cha, làm mẹ.

Giáo dục trong gia đình Việt Nam không chỉ tác động mạnh mẽ ở giai đoạn ấu thơ mà còn ảnh hưởng hết sức to lớn, lâu dài suốt cả cuộc đời. Vì thế, giáo dục gia đình mang tính chất thường xuyên, lâu dài và có hệ thống chặt chẽ. Trong gia đình cha mẹ nên là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Đây là nguyên tắc quyết định, có tầm quan trọng đặc biệt lớn lao đối với công tác giáo dục. Trẻ em rất nhạy cảm và hay bắt chước nên cha mẹ trước hết phải làm gương từ cử chỉ, lời nói đến việc làm...

Tuy nhiên, có nhiều bậc cha mẹ thiếu chuẩn bị và thiếu kinh nghiệm, nên thường giáo dục con theo bản năng, đôi khi cha mẹ giáo dục con một cách tùy hứng và chính vì thế cũng có lúc không tránh khỏi sai lầm. Cách giáo dục quá nuông chiều con hay quá nghiêm đều không phải là những cách thức giáo dục tối ưu đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. Thời gian gần đây, con số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính nghiêm trọng. Hơn ai hết, cha mẹ phải nhận thức thật nghiêm túc về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái. Ý thức được trách nhiệm làm cha mẹ là quan trọng và không thể thay thế. Họ cần phải có kiến thức giáo dục, được trang bị những kĩ thuật tương tác với trẻ nhằm đạt hiệu quả giáo dục con cao nhất.

Nghiên cứu này tiến hành nghiên cứu trên 2000 cặp cha, mẹ – con của học đang học ở 5 trường THCS.

Năng lực định hướng, tư vấn cho con chưa cao

Việc định hướng, tư vấn cho con trong hoạt động và trong quá trình phát triển rất quan trọng, nhất là khi có ở lứa tuổi thiếu niên. Ở lứa tuổi này trẻ có những thay đổi lớn so với lứa tuổi trước đó. Cha mẹ cần có những hiểu biết đúng đắn để từ đó có những thái độ, cách cư xử phù hợp trong giáo dục con. Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát năng lực này trên 3 mặt nhận thức, thái độ và hành vi. Kết quả cho thấy trong hoạt động và trong quá trình phát triển của cha mẹ nằm ở mức thấp. Ở cả 3 mặt, điểm trung bình chung của cha có phần thấp hơn của mẹ, nhưng sự khác biệt không đáng kể.

Với các tình huống đưa ra ở phần này như khi con hậu đậu, lóng ngóng, làm vỡ đồ dùng; con cãi lại khi cha mẹ yêu cầu; con có những hành vi không tốt (nói tục, hút thuốc. . . ) hơn một nửa số phụ huynh dùng cách phê bình con. Một số phụ huynh có được hành vi tích cực hơn là bình tĩnh giải thích. Nhưng vẫn còn một số không nhỏ cha mẹ dùng biện pháp trách mắng, trừng phạt.

Khi phỏng vấn cha mẹ về những khó khăn cha mẹ gặp phải khi định hướng, tư vấn cho con trong hoạt động và trong quá trình phát triển rất nhiều bậc cha mẹ đã chỉ ra những khó khăn như: Quan điểm và giá trị sống của cha mẹ và con cái khá mâu thuẫn với nhau, chính vì vậy khi cha mẹ tư vấn thì con cái thường không nghe theo. Hoặc ở độ tuổi dậy thì, tự ý thức của trẻ phát triển, các con muốn làm theo ý mình để khẳng định mình hơn là lắng nghe theo sự chỉ bảo của cha mẹ. Ngoài hai khó khăn này thì một khó khăn thứ ba khiến năng lực này ở cả cha và mẹ đều thấp đó là không tìm được phương pháp phù hợp để tư vấn và định hướng cho con.

Nhìn chung, theo tự đánh giá của cha mẹ về năng lực định hướng, tư vấn cho con trong hoạt động và trong quá trình phát triển ở cả cha và mẹ đều không cao, chỉ ở mức trung bình. Trước những thay đổi về thể chất, tâm lí của thiếu niên thì nhiều phụ huynh chưa có sự chuẩn bị về kiến thức và tâm thế. Nên khi đối mặt với những ứng xử khác trước, đôi khi là tiêu cực của trẻ thì dễ cảm thấy tức giận, lo lắng, nhưng lại chưa có biện pháp để tư vấn, định hướng cho con nên dẫn đến việc thắt chặt kỉ luật, càng cố gắng áp chế trẻ. Tuy nhiên, việc này có thể gây những phản kháng và mâu thuẫn giữa cha mẹ và thiếu niên.

Về năng lực sử dụng các phương pháp, phương tiện giáo dục gia đình tác động tới con thông qua tổ chức các hoạt động và tương tác của gia đình. Đối với nhận thức, có hơn 50% cha mẹ cho biết chỉ hiểu sơ qua về các phương pháp giáo dục trong gia đình, họ chỉ nắm bắt được một số phương pháp phổ biến như: nhắc nhở, trò chuyện, răn đe, nêu gương... Số phụ huynh hiểu rõ về các phương pháp, biết vận dụng linh hoạt các phương pháp chiếm khoảng 30%. Vẫn có khoảng 10% phụ huynh không quan tâm đến việc này. Qua kết quả phân tích trên, có thể thấy các khách thể phụ huynh được khảo sát có nhận thức về các phương tiện, phương pháp giáo dục con trong gia đình chưa sâu sắc, đầy đủ. Nhìn chung, họ chỉ nắm được một số phương pháp, phương tiện cơ bản, và những hiểu biết về từng phương pháp cũng chưa sâu sắc, điều này có thể sẽ ảnh hưởng khá lớn đến việc vận dụng các phương pháp này trong quá trình giáo dục con.

Về mặt thái độ, những biểu hiện thái độ của năng lực sử dụng các phương pháp, phương tiện giáo dục gia đình tác động tới con thông qua tổ chức các hoạt động và tương tác của gia đình ở mức trung bình. Trong tình huống khi con cái tỏ thái độ chống đối lại phương pháp của cha mẹ thì có khoảng một nửa phụ huynh đều rơi vào cảm giác bực bội, tức giận. Có khoảng 12% phụ huynh cảm thấy không thể chấp nhận hành vi này của con. Và có khoảng 33% cha mẹ là có thể giữ bình tĩnh để tìm biện pháp phù hợp. Trong việc thường xuyên phải nhắc nhở con thực hiện các công việc trong gia đình thì có khoảng 60% cha mẹ cảm thấy hơi bực mình, mất kiên nhẫn khi thường xuyên nhắc nhở mà con không thay đổi, khoảng 12% phụ huynh bực bội, tức giận. Số phụ huynh có thể bình tĩnh, cố gắng kiên nhẫn dạy con chiếm khoảng 27%. Qua những số liệu và phân tích trên có thể thấy ở những cặp cha mẹ được khảo sát, nhiều cha mẹ còn chưa kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Khi con có khúc mắc hay phạm lỗi cha mẹ dễ rơi vào cảm giác buồn bực, thất vọng. Chỉ một số phụ huynh có thể điều chỉnh cảm xúc của mình, giữ bình tĩnh để tìm biện pháp giải quyết phù hợp.

Nghiên cứu những hành vi cụ thể, biểu hiện của năng lực sử dụng các phương pháp, phương tiện giáo dục gia đình tác động tới con thông qua tổ chức các hoạt động và tương tác của gia đình, nhóm nghiên cứu nhận thấy: Trong trường hợp con chống đối lại những nội dung cha mẹ dạy bảo, có khoảng 50% cha mẹ thường phê bình con, sau đó mới tìm nguyên nhân sự việc, khoảng 13% phụ huynh sẽ mắng con, yêu cầu không được tái phạm. Số cha mẹ có thể bình tĩnh trao đổi, cùng con tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục khoảng 28%. Đối với những công việc của con, khoảng 52% phụ huynh để con tự quyết định như bạn bè, học tập, định hướng tương lai, khoảng 30% phụ huynh thường trao đổi với con về các lĩnh vực này để có sự lựa chọn hợp lí. Và có khoảng 13% cha mẹ bắt buộc con phải làm theo sự chỉ đạo của mình. Qua những số liệu trên có thể thấy trong lĩnh vực học tập, nhiều cha mẹ thường nghiêm khắc giáo dục con, một số ít vẫn còn dùng biện pháp cưỡng ép, bắt buộc với con. Bên cạnh đó cũng có một số cha mẹ đã có những ứng xử tích cực, tôn trọng con, khích lệ, đồng hành cùng con.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu năng lực giáo dục con của cha mẹ học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO