Tìm hiểu cách làm thơ ngắn qua ‘Đoản thi Đông Á’

ĐƯỜNG TIỆM CẬN| 26/10/2020 18:24

KHPTO - Một cuốn sách nhỏ nhắn, cầm gọn trong lòng bàn tay nhưng đầy bất ngờ khi truyền tải khá trọn vẹn về loại hình sáng tác thơ ngắn tại các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Nếu so với sonnet, thể thơ ngắn nổi tiếng, quen thuộc nhất của văn học châu Âu (bài thơ trong hình thức cổ điển có 10 dòng với 140 âm tiết), thì các thể thơ ngắn đồng nhất nổi tiếng bậc nhất của văn học Đông Á ngắn hơn nhiều”, chủ biên của tập sách “Đoản thi Đông Á” nhận định.

Bên cạnh tuyệt cú (bài thơ 20 hoặc 28 âm tiết) vốn xuất phát từ Trung Hoa nhưng dần trở thành gần gũi như gia tài chung trong văn học chữ Hán của khu vực, được thi nhân ở cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thưởng thức và sáng tác thì mỗi nền văn hóa dân tộc lại có hình thức độc đáo trong ngôn ngữ, văn tự riêng.

Đơn cử, sijo của Hàn Quốc có quy chuẩn chừng 45 âm tiết, lục bát của Việt Nam thì 2 câu chỉ gồm 14 âm tiết, còn haiku của Nhật Bản là 17 âm tiết.

Các nền văn học Đông Á đều khởi đầu bằng thơ cơ, song những thể thơ ngắn (đoản thi) tiêu biểu không tự nhiên có được ngay thuở ban sơ, mà thường xuất hiện khá muộn về sau.

Tuyệt cú hình thành ở khoảng thế kỷ VI, còn sijo và lục bát định hình như một thể thơ vào khoảng thế kỷ XIV, trong khi đó haiku được khai sinh như một hình thức độc lập vào giữa thế kỷ XVII.

Tất cả đều cho thấy, con đường đến đoản thi là hành trình trưởng thành, thuần thục của mỗi nền văn học. Tuy phần lớn các thể thơ ngắn Đông Á đều có nguồn gốc trực tiếp hoặc sâu xa từ bài ca (dân gian), nhưng quan hệ giữa "thi" và "ca" được tiếp nối ở sijo, lục bát lâu dài, chặt chẽ hơn so với thể loại tuyệt cú và haiku.

Lục bát hai câu chủ yếu xuất hiện ở ca dao để (có thể) hát lên, còn sijo thì ngay trong tên gọi có nghĩa "thời điệu" (giai điệu của thời gian) đã cho thấy bản chất bài ca của thể thơ. Từ khởi đầu, và cho đến tận ngày nay, sijo luôn gắn với diễn xướng âm nhạc.

Thể thơ lục bát của Việt Nam, tuyệt cú của Trung Quốc, sijo của Hàn Quốc, haiku của Nhật Bản cùng giàu hàm súc, giàu sức gợi, nhưng thi pháp của mỗi thể thơ lại mang sắc thái khác nhau.

So sánh với thơ ngắn của các nền văn học khác, có thể nhận thấy sự đặc trưng của các đoản thi Đông Á trong sự nhuần nhị, tự nhiên dung nhập cảnh và tình, hòa quyện trữ tình và triết lý, hàm súc mà dư ba.

Với tuyệt cú nói riêng, Đường thi nói chung, ngôn ngữ "không còn là ngôn ngữ sự vật nữa mà là ngôn ngữ ý niệm". Để có thể "tiểu trung kiến đại", nhà thơ tuyệt cú cần "sử dụng ngôn ngữ biểu tượng ở mức độ cao".

Cấu trúc bề sau của tuyệt cú được triển khai trên quan hệ nhất nguyên giữa tâm và vật, con người và vũ trụ, không gian và thời gian, tĩnh và động, thực và hư… Các đại từ nhân xưng đề cập chủ thể trữ tình, các giới từ thường bị lược bỏ.

"Đọc tuyệt cú, phải đọc giữa các dòng thơ", chủ biên Phạm thị Thu Hiền viết.

Haiku không chỉ loại bỏ các đại từ nhân xưng, loại bỏ các giới từ mà còn tiếp tục hầu như loại bỏ các động từ, tính từ để chỉ còn là thơ danh từ.

Haiku không thiên hướng về sử dụng ngôn ngữ ý niệm, ngôn ngữ biểu tượng. Trong thể loại thơ ngắn của Nhật Bản, người đọc thường chỉ thấy những hình ảnh rất đỗi bình dị, thậm chí tầm thường trong cuộc sống, như ao cũ, con ếch, tuyết… Ở đó, sức mạnh của bài thơ đi từ sự đặt bên nhau hai hình ảnh mở ra quan hệ tương thông, hợp nhất giữa cái bé nhỏ và cái lớn lao, khoảnh khắc và vĩnh cữu, hữu và vô... Có thể nói, đọc thơ haiku là đọc cái hư huyền.

Trong khi ở cả tuyệt cú lẫn haiku, cái tôi của nhà thơ hầu như ẩn giấu hoặc chỉ khơi gợi gián tiếp thì sijo và lục bát lại thường là giọng trực tiếp giãy bày tâm sự, chủ đề trữ tình đối thoại với đối tượng trữ tình (hiển ngôn hoặc hàm ngôn) của mình.

Sijo và lục bát thường gây cảm động lòng người với tấm chân tình, nồng nhiệt. Đón nhận sijo, lục bát là lắng nghe từ trái tim.

Đặc trưng cảm thức thẩm mỹ của tuyệt cú, sijo, lục bát, haiku được vun bồi, một phần bởi truyền thống tư tưởng, triết học trong di sản chung văn minh khu vực, và cả nguồn mạch dân gian sâu bền, cùng cốt cách tâm hồn riêng của mỗi dân tộc.

Nhìn chung, tuyệt cú của Trung Hoa, haiku của Nhật Bản, sijo của Hàn Quốc và lục bát của Việt Nam chia sẻ khá nhiều đặc điểm tương đồng có tính loại hình và có tính khu vực. Bên cạnh những đặc điểm chung, tuyệt cú, haiku, sijo và lục bát, mỗi thể loại lại có những đặc trưng biểu hiện bản sắc dân tộc độc đáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu cách làm thơ ngắn qua ‘Đoản thi Đông Á’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO