Tiến bộ về phòng chống ma túy: Dứt bỏ chất gây nghiện

10/02/2006 23:18

Chỉ cần “Nói Không với Ma túy”! Một khẩu hiệu đẹp. Một cách làm đơn giản, xem ra khả thi và dễ thực hiện: chỉ cần từ chối một liều thuốc - hay một ly rượu, một điếu thuốc lá. Nhưng trong thực tế, trên thế giới hiện vẫn có hàng chục triệu người phải vật lộn với sự lệ thuộc vào heroin, cocain hay amphetamin - chưa nói đến các chất gây nghiện hợp pháp như nicotin và cồn ethylic.

Vấn đề không phải là ở thói nết mỗi người, mà là ở chức năng não bộ đã bị ma túy làm méo lệch. Các chất gây nghiện lấy mất đi hệ thống “tưởng thưởng” của não, làm suy yếu khả năng chọn lựa sáng suốt của chúng ta.

Cocain và các chất kích thích khác làm thay đổi trực tiếp hoạt động của não - làm kích ứng sự phóng thích hóa chất truyền tin dopamin - trong khi rượu cồn, nicotin, cần sa và các chất gốc á phiện tác dụng gián tiếp. Nhưng các chất gây nghiện đều gây cảm giác sảng khoái và tự tin (tạm thời). Cảm thấy một lần, bạn sẽ muốn có lại cảm giác ấy lần nữa - rồi lần nữa...

Điều đáng mừng là, theo BS. Michael Craig Miller của Đại học Y Harvard, các nhà khoa học hiện đang trên con đường làm sáng tỏ cơ chế nghiện và bắt đầu vạch ra được những liệu pháp hữu hiệu. Ngoài dopamin, chu trình nghiện còn liên hệ nhiều hóa chất não khác. Và mỗi chất này đều có thể trở thành đích nhắm điều trị.

Tiến bộ rõ ràng nhất gần đây là sự ra đời một số chất chống thèm thuốc. Là một chất lâu đời hiện còn sử dụng, naltrexon gây đảo ngược tác dụng giải khuây của các opiat như heroin, đồng thời làm chậm sự phóng thích dopamin. Người đang cai rượu có khuynh hướng ít sảng khoái hơn khi uống rượu nếu dùng naltrexon, và cơ may hồi phục được cải thiện. Nhưng naltrexon không loại bỏ hoàn toàn cảm giác thèm muốn, và những người không được tư vấn và hỗ trợ thường gặp khó khăn trong việc dùng thuốc mỗi ngày. Một dạng naltrexon mới với tác dụng kéo dài dự kiến sẽ ra đời trong năm nay, cho phép người bệnh chỉ phải tiêm thuốc mỗi tháng một lần.

Năm 2004, cơ quan FDA của Mỹ đã công nhận acamprosate, một chất có tác dụng làm giảm sự thèm thuốc bằng việc làm chậm lại sự phóng thích hóa chất não glutamat. Một số chuyên gia đặt kỳ vọng vào topiramate (Topamax), một thuốc trị migrain (nhức nửa đầu) và chống kinh giật có tác dụng tăng cường lực cho hóa chất báo hiệu GABA (gamma-aminobutyric acid). Một ứng viên khác là ondansetron (Zofran), một chất ức chế serotonin dùng chống buồn nôn cho người bệnh ung thư, mà các khảo sát cho thấy tác dụng cắt giảm lượng rượu cồn tiêu thụ ở những người uống rượu từ lúc còn trẻ.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm cách giải đáp câu hỏi: ai bị nghiện, và tại sao? Yếu tố di truyền khiến cho một số người dễ nghiện ngập hơn những người khác, có lẽ là do sự khác biệt về tốc độ chuyển hóa và độ đáp ứng với các chất. Nghiên cứu cho thấy những khác biệt về gen cũng có thể ảnh hưởng lên sự đáp ứng điều trị. Một vài khảo sát cho thấy những người có bệnh sử nghiện rượu trong gia đình đáp ứng tốt hơn với naltrexon. Theo một khảo sát mới, những người có biến thể gen Asp40 hưởng lợi nhiều hơn từ naltrexon so với người khác.

Khi được xác định rõ, các dấu ấn nói trên sẽ giúp cho các bác sĩ hình dung ra loại liệu pháp nào thích hợp nhất cho người bệnh. Nhưng nhìn chung, tốt nhất vẫn là một liệu pháp phối hợp - giữa thuốc và tâm lý trị liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến bộ về phòng chống ma túy: Dứt bỏ chất gây nghiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO