Tiễn Ất Dậu - Bính Tuất thiếu vị gà - Có gì thay thế?

09/01/2006 03:47

Theo tục lệ Việt Nam, ngày Tết bao giờ cũng có con gà cúng tổ tiên... Song hiện nay, mặc dù sắp qua năm con chó (Bính Tuất) các loài có cánh nói chung, loài gà nói riêng từ 97 đến hiện nay hãy còn nơm nớp sợ... bị cúm: Siêu vi H5N1 đe dọa tiêu diệt hàng loạt mọi chim muông và luôn cả loài người chúng ta - chưa đợi hóa kiếp nữa...

Đặc điểm dinh dưỡng

So sánh với thịt nạc ức gà và đùi gà - không kể da (nếu xếp theo thứ tự hàm lượng chất béo ngày càng lớn hơn), thì có tới 7 loại thịt bò! Có nghĩa là chúng ta tha hồ lựa chọn khi đi chợ hay siêu thị, mua thịt bò nạc đủ loại miếng ngon.

Thịt bò ngày nay rất thích hợp cho một nếp sống và chế độ ăn lành mạnh. Theo tháp dinh dưỡng cập nhật người ta rất có thể ăn mỗi ngày từ 140 đến 200 g nguồn đạm động vật- trong này xin đừng quên thịt bò! Và nếu không có thịt bò, thịt trâu - nhập từ Ấn Độ - chế biến khéo cũng không phân biệt được với thịt bò mà lại có phần, ít béo + “nạc” hơn cả thịt bò nữa.

Trong thân bò xẻ ra bán, có 7 vị trí “miếng” nạc bò thì về mặt tỷ lệ mỡ, cả 7 nơi đều có thể xếp ở giữa thịt ức gà và thịt đùi gà - không kể da.

Mọi miếng thịt bò đều tính trên cơ sở trọng lượng 85 g đã nấu chín, bề dầy 1/4 inch (0,636 cm) toàn nạc (đã loại bỏ mỡ). Mọi miếng thịt gà đều tính trên cơ sở trọng lượng 85 g, đã nấu chín, không lấy da.

Chi tiết “ngộ nghĩnh”: 85 g thịt bò nạc nấu chín có kích cỡ tương đương với khổ một một cỗ bài tây.

Thịt bò cũng là một nguồn dồi dào nhất về mặt dưỡng chất. Xin chỉ kể ra đây một vài đặc tính nổi bật của thịt bò và thịt trâu: chất đạm protein (để xây dựng bắp thịt và bồi dưỡng các mô và tế bào trong cơ thể bị hao mòn), các vitamin nhóm B (để có làn da lành mạnh và “mắt sáng”, thị giác tốt), sắt (giúp hồng huyết cầu chuyên chở oxygen đi khắp toàn thân - tăng lực cho bạn thêm “đỏ da thắm thịt”) và kẽm (giúp cơ thể hình thành những men (enzym) quan trọng và nội tiết tố insulin - phòng tránh tiểu đường).

Nếu lấy cơ sở là chất đạm, có rất nhiều thứ có thể thay thế thịt gà như thịt heo và những nguồn đạm từ những con vật 4 chân cung cấp cho chúng ta. Và còn biết bao nhiêu thủy, hải sản... tức là cá, tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến ...

Đậu hạt khô - tiêu biểu là đậu xanh là nguồn đạm thực vật rất “kinh tế” và được sử dụng trên toàn cầu... khi cần vì một lý do nào đó (cúm gà, bò điên v.v...), thay thế chất đạm động vật tạm thời hay phần nào. Hàm lượng đạm ở đậu khô, còn sống chiếm 20 - 25% trọng lượng. Trong một suất “chuẩn” 202 g đậu xanh nấu chín cũng cung cấp được 14,2 g chất đạm (đạt 28% Nhật Lượng cho 2.000 calo. Về mặt thành phần acid amin thiết yếu (aaty), đậu xanh thiếu methionin cystein và tryptophan, và thừa lysin song biết phối hợp với một ngũ cốc - thường dư methionin và thiếu lysin để bổ sung lẫn cho nhau các thiếu sót về acid amin thiết yếu... người ta sẽ có một hỗn hợp hoàn hảo hơn ăn riêng đậu xanh hay gạo chẳng hạn: Khi cần bồi dưỡng, thay vì ăn trứng hay uống sữa (là những thực phẩm toàn hảo về acid amin thiết yếu) người ta có thể ăn những món có phối hợp ngũ cốc với đậu xanh như xôi, chè, bánh có nhân đậu xanh v.v... lợi ích sẽ ngang bằng ăn trứng hay uống sữa.

Tết cũng vẫn nên ăn theo tháp dinh dưỡng

Thịt gà chỉ là một phần nhỏ trong nhóm các thức ăn giàu đạm và vị trí còn nhỏ hơn nữa trong toàn bộ tháp dinh dưỡng.

Song phần quan trọng về mặt ẩm thực thì thịt gà “là chuyện nhỏ” rất có thể thay thế bằng bánh chưng nhân đậu và có nhiều rau trái cây kèm theo.

Vào thời tiết lạnh mà ăn bánh tét thì rất thích hợp, nhất là có kèm theo dưa hành. Người nào có cảm thấy là ăn bánh tét nặng nề, lâu tiêu thì càng nên ăn thêm dưa hành vì:

1. Hành có vị hơi cay, mùi hăng (không ăn mà thái hành cũng đủ cay mắt, trào lệ!) do chất alicin có tính kháng sinh tự nhiên và theo sách thuốc, có tác dụng “kích thích thần kinh, tăng tiết dịch tiêu hóa”. (Dân gian còn dùng hành để chữa cảm, trong bài thuốc cháo giải cảm.)

2. Dưa chua được quá trình lên men tạo ra chất acid lactic, giúp cho việc tiêu hóa hấp thu được điều hòa ở ruột già, do làm cho môi trường nơi đây trở nên bất lợi đối với các vi khuẩn gây ung thối, và nhất là các giống hay gây bệnh đường ruột.

Và Tết là phải thưởng thức đủ mùi, đủ vị; sau vị mặn của bánh chưng hay thịt mỡ qua vị chua của dưa hành (miễn không quá 10 g muối/cả ngày), vị đắng của canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt, vị chua rốt hay ngọt mát của trái cây, một lúc nào đó, cũng tới lúc thưởng thức quả mứt đủ loại: me, dứa, mãng cầu, tầm ruột, khoai, đu đủ, ngó sen, bí, mã thầy, cà rốt... thôi thì chẳng có cái gì mà người ta không chế biến thành mứt! Ăn cuối bữa kèm với tách trà thì cũng chẳng ăn được quá... 10% tổng số calo nên ít sợ “mất cân đối” xô lệch tháp dinh dưỡng!

Riêng năm nay, sau Gà đến Chó, chỉ mong quý vị đừng nại cớ quá sợ “cúm gà” mà hóa kiếp “cầy tơ” làm mâm cơm cúng ông bà thôi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiễn Ất Dậu - Bính Tuất thiếu vị gà - Có gì thay thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO