Thực trạng hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh

Anh Thư| 30/11/2018 10:39

KHPTO - Thực trạng biểu hiện hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS là nghiên cứu do PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Trường đại học sư phạm TP.HCM thực hiện. Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra trên 1043 học sinh (HS) tại 7 trường THCS tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương, nghiên cứu sàng lọc 280 HS có dấu hiệu hành vi (HV) tự hủy hoại bản thân (THHBT).

HV THHBT là những HV tự làm tổn thương thân thể của mình, làm mình bị đau đớn, mệt mỏi với dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng nhưng nhiều khi chính chủ thể cũng không nhận ra hay không cảm nhận một cách cụ thể. 

Có năng lực nhưng vẫn nghi ngờ bản thân

Điểm trung bình (ĐTB) cao nhất là 2,97, đó là biểu hiện “Nghi ngờ bản thân và khả năng mặc dù “biết” bản thân là người có năng lực”. Kế tiếp là “với tôi cuộc sống rất khắc nghiệt, khó khăn” với ĐTB là 2,65.

PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, ở lứa tuổi này, các em đang phải trải qua một thời kỳ phát triển đầy biến động. Không chỉ có sự phát triển nhảy vọt về thể chất, chiều cao, cân nặng… mà còn phải đối mặt với một giai đoạn rất khó khăn đó là dậy thì. Ở giai đoạn này, lần đầu tiên pháthiện trong cơ thể mình xuất hiện những hiện tượng “kì lạ” như kinh nguyệt, mộng tinh… nên nhiều em sẽ cảm thấy lo sợ và khó khăn. Nếu không được trang bị những kiến thức giới tính cũng như sự quan tâm khéo léo từ phía gia đình và nhà trường, các em sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái khủng hoảng, tạo điều kiện thúc đẩy HV THHBT ở HS.

Tiếp theo, biểu hiện “tôi nghĩ mình không có giá trị với mọi người xung quanh” với ĐTB là 2,55; “tôi cho rằng khi thực hiện HV THHBT thì sẽ vơi đi một phần nào nỗi đau trong lòng” với ĐTB là 2,52. Đây là thời kỳ phát triển đầy biến động, các em dễ dàng gặp khủng hoảng về tâm lý khó có thể kiểm soát và làm chủ được nên đã chuyển nỗi đau tinh thần sang nổi đau thể xác và thực hiện HV THHBT để cảm thấy “Vơi đi một phần nào nỗi đau trong lòng”.

Kết quả phỏng vấn chuyên viên tâm lý L.M.H cho biết: “Nhiều HS đã bày tỏ sự suy nghĩ rất bi quan về cuộc sống, các em mất hẳn niềm tin vào cuộc đời và giá trị của việc học tập. Một số em tự cắt tay của mình và các em bày tỏ về cảm xúc thoải mái khi được thực hiện điều đó”. Có 5 biểu hiện có ĐTB trên 2,00 với tổng mức rất nhiều và nhiều, trung bình trên 20%: “Tôi nghĩ đó là một cách để kiểm soát cuộc sống của tôi” với ĐTB 2,15; “Tôi nghĩ cuộc sống là ngoài tầm kiểm soát của tôi” ĐTB là 2,10; “Nếu thay thế nỗi đau tinh thần bằng nỗi đau thể xác thì cuộc sống dễ thở hơn” ĐTB 2,09; “Tôi không nghĩ rằng THHBT là điều không tốt” ĐTB 2,08; “Tôi ước rằng mình không bao giờ được sinh ra” ĐTB 2,05. Tóm lại, ĐTB chung biểu hiện HV THHBT trong nhận thức của HS là 2,02 rơi vào mức ít là chủ yếu. Bên cạnh đó, có một số biểu hiệu cần lưu ý như “Với tôi cuộc sống rất khắc nghiệt, khó khăn” và “Nghi ngờ bản thân và khả năng mặc dù “biết” bản thân là người có năng lực” là những “vấn đề” trong nhận thức của HS THCS hiện nay.

Đau khổ trong im lặng

ĐTB chung của biểu hiện HV THHBT trong thái độ của HS là 2,15 ở mức ít. Trong 16 nội dung về biểu hiện HV THHBT trong thái độ của HS, có 3 nội dung có ĐTB trên 2,51 ở mức độ trung bình. Cụ thể nội dung cao nhất là “Tôi đau khổ trong im lặng (không chia sẻ, không thể hiện cảm xúc của mình)” với ĐTB 3,37.

Ở đầu tuổi thiếu niên, các em thường bị sốc bởi những cảm xúc mãnh liệt trước những biến cố trong cuộc sống, đơn cử như bố mẹ ly hôn, bị từ chối tình cảm, bị bạn bè ganh ghét…  Đứng vị trí thứ hai là “Cảm thấy căng thẳng, lo lắng và thất vọng mà không hiểu lí do khi cố gắng làm điều gì đó quan trọng với bản thân” với ĐTB 3,04. Kết quả phỏng vấn HS N.T.X cho thấy: “Em thực sự không biết mình phải làm gì và cần làm gì, có những cảm giác khó chịu lặp đi lặp lại, mỗi khi em muốn đứng lên phát biểu hay đăng ký tham gia một hoạt động nào đó em đều hoang mang, không biết có nên hay không”. Nhu cầu thể hiện bản thân là nhu cầu cao nhất của con người, đặc biệt khi tự ý thức phát triển mạnh mẽ ở tuổi THCS thì nhu cầu này càng gia tăng. Ở một số em không có kỹ năng thể hiện mình nên gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng với bầu không khí lớp học, kết hợp thêm một số yếu tố nguy cơ (như tổn thương đã từng có ở thời thơ ấu) khiến HS gặp bất ổn về đời sống tinh thần hơn.

Đứng ở vị trí thứ ba là “Tôi cảm thấy ray rứt sau khi thực hiện HV THHBT” với ĐTB là 2,76, điều này cho thấy “cảm giác tội lỗi” đã xuất hiện ở HS THCS, cụ thể hơn đó là sự hối hận về chính HV mình đã thực hiện. Biểu hiện này là mấu chốt để có thể làm thay đổi nhận thức sai lệch của các em. Sự ray rứt này nếu có sự hướng dẫn và chia sẻ, động viên phù hợp của người thân có thể hình thành những nhận thức lành mạnh để chuyển hóa HV của HS THCS. Tuy nhiên, với tỉ lệ 62,9% che giấu HV THHBT với bố mẹ và 11,1% che giấu thầy cô thì việc phát hiện kịp thời để can thiệp là một biện pháp cần thực hiện.

Các biểu hiện còn lại đều rơi vào mức ít, trong đó có hai biểu hiện mặc dù ĐTB ở mức ít nhưng tổng ba mức rất nhiều, nhiều, trung bình là cần quan tâm: “Tôi cảm thấy sợ hãi khi THHBT” với ĐTB là 2,46 và “tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, bớt căng thẳng khi thực hiện HV THHBT” với ĐTB là 2,37. Hai biểu hiện này dường như mâu thuẫn nhau nhưng về bản chất đó là hai mặt tâm lý mà HS THCS phải đấu tranh khi thực hiện HV THHBT. Điều này cho thấy sự diễn biến tâm lý đầy tính phức tạp khi HS THCS thực hiện HV THHBT. Sự phức tạp này bị chi phối bởi đời sống tâm lý nhiều biến động của tuổi dậy thì mà các em phải trải qua: muốn thực hiện để thể hiện tính người lớn nhưng vẫn còn e dè sợ hãi như trẻ con.

Theo một số nghiên cứu, thói quen THHBT sẽ khiến phát sinh các chất gây tê tự nhiên trong cơ thể, có khả năng tự mình xoa dịu những nỗi đau về mặt tinh thần, tìm thấy sự dễ chịu về cảm xúc.  Thấp nhất, chỉ có một biểu hiện HV THHBT trong thái độ của HS có mức độ rất ít, đó là “tôi cảm thấy tự hào về HV THHBT của mình” với ĐTB 1,18. Kết quả phỏng vấn L.G.B (Trường THCS Hoàng Lê Kha) cho biết: “Khi dùng lưỡi lam cắt lên tay, em cảm thấy mình rất ngầu vì không phải ai cũng dám làm được như em”. 

Tóm lại, ĐTB chung của biểu hiện HV THHBT trong thái độ của HS là 2,15 – tương đương mức độ ít. Tuy nhiên có một số biểu hiện đáng lưu ý như “tôi đau khổ trong im lặng (không chia sẻ, không thể hiện cảm xúc của mình)”, “cảm thấy căng thẳng, lo lắng và thất vọng mà không hiểu lí do khi cố gắng làm điều gì đó quan trọng với bản thân”, “tôi cảm thấy ray rứt sau khi thực hiện HV THHBT”, “tôi cảm thấy sợ hãi khi THHBT”.

Tự đánh, tự đấm mình

ĐTB chung của biểu hiện HV THHBT trên thân thể của HS là 1,55 ở mức ít. Không có bất kỳ biểu hiện HV cụ thể nào rơi vào mức trung bình trở lên, trong đó có ba HV có ĐTB trên 2,00: cao nhất là “Tự đánh, tự đấm mình” với ĐTB 2,39. Tổng các mức rất nhiều, nhiều là 34,7% - khoảng 1/3 mẫu có HV “Tự đánh, tự đấm mình” với mức độ từ trung bình đến rất nhiều.

Kết quả phỏng vấn HS T.K.N cho thấy: “Em sẽ có xu hướng chọn việc tự đánh và tự đấm mình hơn việc tự cắt vì nó là HV không quá đau, khó bị người lớn phát hiện nhưng vẫn khiến em cảm thấy dễ chịu và giải tỏa được rất nhiều sự bực bội”. Kế tiếp, đứng vị trí thứ 2 là nội dung “Bứt tóc” với ĐTB là 2,26, tổng ba mức này đạt trên 41,8% - gần 1/2 mẫu nghiên cứu sàng lọc.

Bức tóc là một bệnh tâm lý với tên gọi Trichotillomania. Đây là một sự rối loạn kiểm soát tinh thần mạn tính, thôi thúc người bệnh nhổ lông, tóc lặp đi lặp lại, tạo thành một chứng mất tóc.

Tiếp theo là “Tự cắn” với ĐTB là 2,07 (16,8% rất nhiều, 1,4% nhiều và 6,1% trung bình), tổng các mức từ rất nhiều đến trung bình là 24,3% - gần 1/4 mẫu nghiên cứu sàng lọc.  Những nội dung có ĐTB trên 1,51 - ở mức độ ít, bao gồm: “Đập đầu vào một vật gì đó”, “Lên kế hoạch tự tử”, “Đã từng tự tử nhưng không thành”, “Tự làm phỏng mình”. Đây đều là những HV nghiêm trọng, tỉ lệ ở mức rất nhiều đều trên 15%. Sau khi tự làm đau bản thân, cá nhân vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương tiếp theo và ở mức độ nghiêm trọng hơn, cuối cùng có thể dẫn đến HV tự sát. 

Kết quả khảo sát theo mức độ được xác lập chỉ ở mức độ ít, nhưng các em cần được quan tâm giáo dục bằng những biện pháp giáo dục phù hợp để hạn chế và dần loại khỏi HV THHBT, hình thành ở các em những biểu hiện HV mang tính tích cực. Đó là trách nhiệm của gia đình, nhà giáo dục và thầy cô mà đặc biệt là các chuyên viên tư vấn học đường hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO