Thực phẩm biến đổi gen và sức khỏe

19/10/2017 16:30

KHPT-Đã hơn 15 năm kể từ khi các sinh vật biến đổi gen (GMO) được đưa vào sản xuất và chế biến thực phẩm, có khi nào chúng ta nghĩ rằng mình đã ăn một thực phẩm nào đó được chế biến từ một nguyên liệu biến đổi gen không?

Chúng ta có nghĩ rằng một ngày nào đó trên thị trường xuất hiện một sản phẩm thịt heo hoàn toàn không có tí mỡ nào hoặc một ly kem sữa được làm từ chất đạm sản sinh ra từ gen của một loài cá? Có thể chúng ta sẽ có những băn khoăn về những điều mà thực phẩm biến đổi gen (GMF) tác động đến sức khỏe của mình một khi mà chúng ta chưa tìm hiểu cặn kẽ và chưa nhận thức được một cách đầy đủ về GMO.

Trải qua hàng ngàn năm, qua rất nhiều thế hệ, những nông sản thực phẩm mà chúng ta hiện đang tiêu dùng đã được biến đổi từ các giống loài hoang dại đến những giống loài được canh tác và nuôi trồng. Chúng ta cũng hiểu rằng để có được những tính chất ưu việt như năng suất cao, chất lượng ngon thì bộ gen di truyền của chúng cũng đã được biến đổi để thích nghi với điều kiện sinh thái môi trường, đồng thời cũng được biến đổi do con người tác động.

Tuy nhiên, những tác động đến bộ gen di truyền trong cùng một giống loài không được gọi là biến đổi gen hoặc chuyển gen mà được gọi là lai tạo. Chỉ khi nào con người lấy gen của một sinh vật thuộc giống loài hoàn toàn khác lạ cấy ghép vào bộ gen của sinh vật chủ, lúc bấy giờ sinh vật này mới được gọi là biến đổi gen hoặc chuyển gen. Thông thường, gen chọn để cấy ghép vào được lấy từ một vi sinh vật và mang lại những tính chất ưu việt cho sinh vật chủ.

Mục đích của việc tạo ra sinh vật biến đổi gen là gì? Một mặt do dân số thế giới tăng nhanh, theo dự báo, dân số thế giới vào năm 2025 sẽ vào khoảng 10 tỷ. Mặt khác, cùng với sự gia tăng dân số, xu hướng đô thị hóa cũng tăng theo cộng với sự biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm gia tăng đất ngập mặn, điều này dẫn đến đất canh tác bị thu hẹp dần.

Như vậy, vấn đề đặt ra là công nghệ nào có thể giúp ngăn ngừa nạn đó trong tương lai? Do vậy con người nghĩ đến việc tạo ra các giống cây trồng và vật nuôi cho năng suất cao và có thể chống chịu được những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như hạn hán, ngập mặn… từ đó các sinh vật biến đổi gen ra đời.

Vào những năm cuối của thập niên 1980, các sản phẩm biến đổi gen lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, đó là phô mai được chế biến bằng công nghệ sử dụng chất tạo đông từ sinh vật biến đổi gen và cà chua “Flavr savr”.

Cho đến nay có khoảng trên 42 loại nông sản thực phẩm biến đổi gen được đưa ra thị trường. Những thế hệ GMO đầu tiên được tạo ra nhằm tăng năng suất hoặc giảm chi phí sản xuất tạo ra sản lượng lương thực thực phẩm cao hơn. Những thế hệ GMO kế tiếp lại được tạo ra để thu hút người tiêu dùng như tăng giá trị dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe người tiêu dùng, chẳng hạn như gạo màu vàng chứa vitamin A… và đồng thời tạo các giống kháng bệnh, thích nghi với điều kiện khắc nghiệt.

Rõ ràng là các sinh vật biến đổi gen mang lại nhiều lợi ích cho con người. Các thực phẩm biến đổi gen có thời hạn bảo quản lâu hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn, giúp hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh và thuốc diệt cỏ, cho năng suất cao hơn và có thể canh tác trong những điều kiện khắc nghiệt.

Tuy nhiên, các GMO có tác động gì đến đời sống và sức khỏe của con người không? Dựa trên những cơ sở khoa học, người ta cho rằng một số rủi ro có thể xảy ra nếu con người không kiểm soát một cách chặt chẽ việc nuôi trồng và sản xuất các thực phẩm biến đổi gen.

Việc canh tác các GMO có thể dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái nếu để phấn hoa của chúng phát tán ra bên ngoài và làm lai tạp một số cây trồng khác hoặc các thực vật trong tự nhiên. Điều này trước hết có thể giết hại các loại sâu bọ hữu ích nếu đó là phấn của một GMO có tính kháng sâu bệnh. Hơn nữa, những cây trồng truyền thống, đặc biệt là hệ thống canh tác hữu cơ dễ bị nhiễm gen biến đổi tạo nên sự cạnh tranh giữa các hệ thống nông nghiệp.

Ngoài ra, gen chuyển đổi xâm nhập vào hệ sinh thái tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học. Như vậy, khi môi trường sinh thái dần dần bị biến đổi thì đời sống con người cũng sẽ dần dần bị ảnh hưởng.

Đối với các thực phẩm được chế biến từ các GMO, các nhà khoa học cũng cho rằng chúng cũng có thể dẫn đến những rủi ro. Khi một gen lạ được cấy vào sinh vật chủ, việc trước tiên là chúng sẽ sản sinh ra một protein hoàn toàn lạ, chưa hề được sử dụng trong thực phẩm dành cho người. Các protein lạ này có thể gây dị ứng hoặc có thể ức chế các men tiêu hóa tạo nên yếu tố kháng dinh dưỡng hoặc đóng vai trò như độc tố gây bất lợi cho sức khỏe.

Mặt khác, gen kháng thuốc được cấy vào có thể không được tiêu hóa trong quá trình tiêu dùng sản phẩm GMO, chúng sẽ được thải xuống ruột già và tại đây gen này có thể được chuyển vào một số vi sinh vật đường ruột và dần dần gây nên tình trạng lờn thuốc ở người tiêu dùng. Hoặc chúng có thể chuyển vào các virus và tạo ra các dòng virus mới dẫn đến các bệnh lạ.

Tuy nhiên cho đến nay, người ta vẫn chưa ghi nhận hoặc phát hiện được bất kỳ một ảnh hưởng nào của GMO đến sức khỏe của người tiêu dùng. Một mặt do phần lớn GMO được sản xuất ra chỉ để làm thức ăn cho gia súc. Mặt khác, một số sản phẩm như dầu ăn hoặc tinh bột là những sản phẩm được tinh luyện, không hề chứa bất kỳ một gen nào hoặc một protein nào nên không thể có các rủi ro xảy ra.

Mặt khác, các nhà khoa học cho rằng việc gây dị ứng hoặc gây ngộ độc của một protein là rất thấp vì chúng đã được biến đổi trong quá trình chế biến, đồng thời chúng được phân giải đi trong quá trình tiêu hóa.

Khả năng các gen kháng thuốc từ thực phẩm biến đổi gen chuyển sang vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột hoặc khả năng nhiễm các gen lạ vào cơ thể được đánh giá là rất thấp vì hệ tiêu hóa của con người có khả năng phân hủy hết các gen, đồng thời khả năng tái tổ hợp với các gen của vi khuẩn hoặc trong tế bào khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đưa ra những cảnh báo đối với những trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh về đường ruột hoặc rối loạn tiêu hóa.

Tóm lại, các kết quả khảo sát cho thấy các thực phẩm biến đổi gen trên thị trường hiện nay đều an toàn, việc tiêu dùng chúng chưa cho thấy liên quan đến một vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, điều này không thể khẳng định rằng chúng hoàn toàn không có tác động đến sức khỏe con người.

Thời gian đánh giá tác động của chúng vẫn còn quá ngắn, cần phải có thời gian để đánh giá một cách đầy đủ và chứng minh các biểu hiện bệnh lý có thể có do tác động của chúng. Một số ý kiến cho rằng các nhà khoa học còn chưa hiểu biết hết về các phương thức hoạt động và tương tác của các gen ghép trong GMO, do đó khả năng dự đoán các tác động không tốt của chúng khi đưa chúng vào chuỗi sản xuất thực phẩm còn rất hạn chế.

Vì thế, việc theo dõi tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen sau khi đưa ra thị trường cần được xem là một phần của chiến lược đảm bảo an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm biến đổi gen và sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO