Thực hư thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh

BS. NGÔ VĂN TUẤN| 07/12/2016 19:57

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

KHPT - Tổ chức y tế thế giới (WHO) có lời khuyên đối với bệnh nhân ung thư là nên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau, củ, quả tươi; đặc biệt nhóm bắp cải, cà chua, đậu tương, rong biển, nghệ; hoặc curcumin chiết xuất từ nghệ...

Theo các nhà khoa học, những thực phẩm vừa kể trên là các tác nhân dự phòng hóa học hỗ trợ cho các thuốc điều trị ung thư, thường được sử dụng kết hợp với các thuốc điều trị ung thư có nguồn gốc hóa học, vì các thuốc điều trị ung thư có nguồn gốc hóa học, ngoài tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, còn kèm theo hàng loạt tác dụng độc hại không mong muốn.

Quan điểm điều trị bệnh ung thư của y học cổ truyền là sử dụng các vị thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, thanh nhiệt giải độc. Nếu điều trị bằng hóa trị liệu vẫn phải kết hợp với đông y để giải độc, hoạt huyết, tiêu ứ, làm mềm khối u, rồi mới tiêu diệt được u.

Các vị thuốc bổ khí huyết như: nhân sâm, đảng sâm, thục địa, đương quy, hoàng kỳ, long nhãn, tử hà sa. Các vị thanh nhiệt giải độc như: kim ngân hoa, xuyên tâm liên, hoàng cầm, hoàng liên. Nhân dân ta còn có kinh nghiệm ăn cháo nhân sâm, cháo bo bo, bo bo chưng củ cải, trà hoa cúc, canh rong biển để phòng và hỗ trợ điều trị ung thư.

Thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch

Là nhóm hỗ trợ giảm bớt nguy cơ đột quỵ, hạ cholesterol máu, phòng chống xơ vữa động mạch. Nhóm phòng đột quỵ có tác dụng kìm chế homocystein, tác nhân gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não hoặc suy động mạch vành.

Acid folic trong dược liệu có tác dụng làm giảm nhanh hàm lượng homocystein trong máu. Nhóm bổ sung acid béo không no, có tác dụng vận chuyển cholesterol từ máu đến các mô và từ đó đến gan để đào thải ra ngoài cơ thể. Các chất có tác dụng oxy hóa mạnh như catechin trong trà xanh, curcumin trong nghệ vàng, omega-3 trong gấc hoặc vitamin E, là các chất có tác dụng phòng ngừa tốt đối với bệnh tim mạch.

Các cây thuốc có tác dụng hành khí hoạt huyết như: đan sâm, xích thược, xuyên khung, đương quy, linh chi cũng rất tốt cho hệ tim mạch.

Nói đến hạ cholesterol máu, người ta nhắc đến phytosterol hay omega-3…Các phytosterol ức chế sự hấp thu cholesterol do ruột. Nếu dùng 1,5 - 2,5 g phytosterol/ngày có thể giảm lượng LDL-cholesterol máu đến 10 - 14%. Có thể dùng phytosterol kèm với thuốc hạ lipid máu nhóm statin, vì statin ức chế sự tổng hợp cholesterol.

Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ phytosterol trong máu càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch càng cao. Thừa phytosterol trong máu tạo nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Vì vậy, không nên lạm dụng các phytosterol hay các thực phẩm bổ sung phytosterol để hạ tỷ lệ cholesterol máu. Hơn nữa, các phytosterol cũng giảm sự hấp thu một số vitamin như beta-caroten.

Omega-3 được coi là có lợi thật sự cho người có cholesterol máu cao. Omega-3 giảm viêm, cải thiện chức năng nội mô, giảm nguy cơ loạn nhịp tim trong các bệnh động mạch vành, giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Cần chú ý là: nếu dùng đến 10 - 12 g omega-3/ngày sẽ kéo dài thời gian chảy máu.

Thực phẩm chức năng cho phụ nữ mang thai

Dùng thực phẩm chức năng với liều lượng lớn có thể gây độc hại, vì một số chất có thể đi qua nhau thai. Mẹ dùng nhiều vitamin A tạo nguy cơ bé bị dị dạng. Một nghiên cứu mới đây cho thấy: nếu thai phụ dùng hơn 14,9 mg vitamin E/ngày, thì nguy cơ trẻ sau này bị bệnh mạch vành cao hơn 9 lần. Vì vậy, thai phụ chỉ dùng thực phẩm chức năng khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Trên nguyên tắc, một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng cung cấp đủ các chất cần thiết cho cơ thể. Hiệp hội các bác sĩ sản phụ khoa Pháp khuyên chỉ bổ sung đương nhiên 2 vitamin trong thai kỳ là: vitamin B9 (acid folic) và vitamin D. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vitamin B9 cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh thai nhi. Thiếu hụt vitamin B9 làm gia tăng dị dạng, đặc biệt là gai đôi cột sống. Vitamin B9 có mặt trong nhiều thực phẩm như: rau cải lá xanh (mồng tơi, bắp cải, lá ngót), trứng, phô mai. Thường thì các bác sĩ sẽ kê toa cho phụ nữ có thai vitamin B9 400 microgram/ngày, và khuyên sử dụng vitamin B9 hai tháng trước khi có kế hoạch sinh con, vì hệ thần kinh của phôi được hình thành ngay từ tháng đầu thai kỳ.

Vitamin D cần thiết trong suốt thai kỳ, góp phần vào sự phát triển hệ xương của thai nhi. Thiếu hụt vitamin D sẽ có nguy cơ bị tiền sản giật, tiểu đường hay chậm phát triển thai nhi. Phụ nữ thiếu vitamin D khó có con khi áp dụng thụ thai trong ống nghiệm. Một số thực phẩm có chứa vitamin D như: cá hồi, cá thu, dầu gan cá, lòng đỏ trứng. Vitamin D phần lớn được tổng hợp bởi da, dưới tác dụng của các tia tử ngoại.

Chất sắt là cần thiết do khối lượng máu ở thai phụ tăng, cần thiết cho sự phát triển của nhau thai và thai nhi. Cần uống đúng liều và trong thời gian quy định của bác sĩ. Phụ nữ ít ăn thịt cá, phụ nữ có kinh nguyệt nhiều, dài ngày, phụ nữ có thai đôi có thể cần bổ sung thêm sắt.

Phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa biển có thể cần bổ sung iod (cần thiết cho sự phát triển não bộ thai nhi).

Tóm lại, thực phẩm chức năng đang tràn ngập thị trường tại mọi quốc gia với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn. Dùng hay không là tùy nhu cầu của mỗi cá nhân. Nên nhớ rằng, thực phẩm chức năng không phải là “thần dược”, “tiêu trừ bách bệnh”. Lối sống lành mạnh, vận động đều đặn, vui chơi giải trí thích hợp, ăn uống đúng và đủ là phương thuốc hiệu nghiệm nhất cho sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hư thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO