Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công ở huyện Củ Chi

T. TÚ| 09/10/2019 19:00

KHPTO - Được thành lập năm 2007, Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội hiện là đơn vị đi đầu về phát triển kinh tế giúp xã viên nâng cao thu nhập ở huyện Củ Chi. Ban đầu, hợp tác xã này chỉ đóng vai trò là đơn vị trung chuyển sữa bò tươi từ hộ chăn nuôi đến đơn vị tiêu thụ. Năm 2010, hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị thu mua, trong đó có Công ty cổ phần Lothamilk (bò sữa Long Thành), Công ty cổ phần thực phẩm CMT (Bông milk).

Nhằm giúp các hộ dân kiểm tra và yên tâm về chất lượng sữa tươi nguyên liệu, hợp tác xã đã xây dựng phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sữa với các trang thiết bị hiện đại, sử dụng phương pháp phân tích theo chỉ tiêu vi sinh, lý hóa. Doanh thu của hợp tác xã phát triển mạnh qua từng năm; trong đó, doanh thu năm 2010 chỉ đạt 17,8 tỷ đồng thì năm 2017 tăng lên đến 123 tỷ đồng.

Đặc biệt, vào năm 2017, Hợp tác xã Tân Thông Hội mạnh dạn đầu tư 37 tỷ đồng xây dựng nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi chuyên sản xuất sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống, mỗi ngày thu mua gần 2 tấn sữa tươi nguyên liệu và sản xuất khoảng 1,5 tấn sữa thành phẩm. Nhà máy nằm trong Khu công nghiệp cơ khí ô tô TP.HCM tại xã Hòa Phú (huyện Củ Chi) với gần 40 công nhân lao động. Theo ông Nguyễn Minh Khánh, giám đốc Hợp tác xã Tân Thông Hội, nhằm phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã đang lên kế hoạch xây dựng hai trạm dừng chân ở xã An Nhơn Tây và Tân Phú Trung tại huyện Củ Chi, phát triển các đại lý sữa trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Đồng thời, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh liên kết với các đối tác để ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sữa của hợp tác xã ra nước ngoài. Khi có thị trường tiêu thụ ổn định, hợp tác xã sẽ tăng sức tiêu thụ ổn định mỗi ngày lên 10 tấn sữa tươi nguyên liệu, sản xuất khoảng 8 tấn sữa thành phẩm mỗi ngày để cung cấp cho thị trường.

Trong khi đó, vườn lan Ba Được của bà Trần Thị Mỹ Trinh ở ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương với thu nhập trên 40 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2009, từ số vốn ban đầu 90 triệu đồng, bà Mỹ mua 1.150 cây lan về trồng trên 500 m2 đất của gia đình. Năm 2010, Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM hỗ trợ cho bà Mỹ Trinh thêm 1.500 cây lan giống và lan cấy mô, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh theo hướng hiện đại. Sau hơn 8 năm trồng lan, bà Mỹ Trinh đã mua thêm được 2.500 m2 và thuê 3.000 m2 để mở rộng vườn lan lên đến 6.000 m2, mua 1 xe bán tải để vận chuyển hoa lan thành phẩm.

Vườn lan Ba Được hiện trồng hơn 30.000 cây lan cắt cành giống mokara với nhiều loại như lan vàng nến, lan hồng, lan đỏ, lan tím, lan vàng chanh. Khác với những vườn lan ở địa phương thường xây gạch hoặc ngói bao quanh luống lan với chi phí cao, trụ để giăng lưới bên trên luống lan thường cao 3,5 m. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm, tại vườn lan Ba Được, bà Mỹ Trinh đóng ống nhựa và bao lưới bên ngoài luống lan để tiết kiệm chi phí đầu tư, trụ giăng lưới được đẩy cao lên 4 m để tạo không gian thoáng mát cho cây mau ra hoa.

Hiện mỗi tuần, vườn lan Ba Được cung cấp khoảng 30.000 - 40.000 cành lan cho thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 8 người dân địa phương với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng. Ngoài trồng lan, bà Mỹ Trinh còn nhận thu mua, đảm bảo đầu ra cho 28 vườn lan lớn nhỏ ở huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương, Tây Ninh để tăng số lượng lan cắt cành cung cấp cho thị trường.

Không chỉ mô hình sản xuất tại Hợp tác xã Tân Thông Hội hay mô hình trồng lan mokara cắt cành Ba Được mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Củ Chi mà còn rất nhiều mô hình khác đang phát huy vai trò “dẫn dắt” kinh tế huyện phát triển.

Điển hình như mô hình chuyển giao heo giống có nguồn gốc từ Đan Mạch thực hiện tại Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, mô hình sấy thực phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời tại Hợp tác xã Tương Lai…

Với hiệu quả kinh tế từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Củ Chi từ 40 triệu đồng/năm vào năm 2015 tăng lên hơn 46 triệu đồng/năm vào năm 2017. Huyện Củ Chi hiện có đến 22 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả; trong đó, có 16 hợp tác xã nông nghiệp, 3 hợp tác xã vận tải và 3 hợp tác xã thương mại, dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công ở huyện Củ Chi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO