Thực dạy và thực học ở Bình Sơn

25/11/2006 04:01

Bình Sơn, huyện biển nghèo của tỉnh quảng ngãi, đang là một hiện tượng về giáo dục của cả nước. khắp nơi nhìn về đây với sự ngưỡng mộ. chuyện bắt đầu từ một người dám lội ngược dòng bằng tất cả tâm huyết của mình...

Từ chuyện chưa đâu làm

Mới một năm trước đây, trưởng phòng giáo dục Đoàn Dụng đã phải đứng ra kiểm điểm trước Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Ngãi vì “tội” chỉ đạo dạy lại chương trình lớp 1 cho một số học sinh lớp 6, lớp 7 (không biết đọc, biết viết) mà không xin phép! Thời gian đó ngành giáo dục Bình Sơn phải đón không biết bao nhiêu là đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có những đoàn của Văn phòng chính phủ, của Bộ Giáo dục. Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Huỳnh Mai đã lặn lội về xã Bình Chánh tìm gặp những học sinh lớp 6,7 đang học lại chương trình lớp 1. Và bà hoàn toàn sững sờ khi kiểm tra kiến thức các em này. Những đứa trẻ không hề là thiểu năng hay khuyết tật, 12 - 13 tuổi nhưng hoàn toàn không biết đọc, biết viết - những kỹ năng mà lẽ ra cuối học kỳ II lớp 1, tức khoảng 6 - 7 tuổi các em phải có.

Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ khẳng định con đường thầy Dụng đang đi. Phải đợi đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2006, tức sau 2 năm ngành giáo dục Bình Sơn làm chuyện bắt học sinh phải ngồi đúng lớp của mình, trong mấy ngàn bài thi của học sinh không có bài nào có điểm 0. Đây là một sự kiện chưa hề xảy ra tại Bình Sơn. Mấy năm trước, năm nào cũng có ba trăm, bốn trăm bài thi vào lớp 10 bị điểm không (vì học sinh để trắng giấy thi hoặc viết vào đó những điều ngớ ngẩn). Cả tỉnh Quảng Ngãi nhìn về Bình Sơn bằng cặp mắt ngưỡng mộ.

Thầy Dụng tâm sự: “Sự tưởng thưởng lớn nhất đối với tôi là được đa số giáo viên, phụ huynh đồng tình việc mình làm, ngay khi những việc đó còn chưa biết kết quả thế nào”. Có người đã lặng lẽ viết thư gửi cho bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự đồng tình đó. Bản thân thầy Dụng cũng nhận rất nhiều thư của bà con trong tỉnh và cả nước gửi đến động viên. Có một em học sinh gửi đến một lá thư rất chân tình: “Em ước ở huyện em có một cán bộ quản lý giáo dục như thầy”.

Thầy Dụng và những bức thư động viên từ khắp mọI nơi

Đến những giải pháp căn cơ

Thầy Dụng cho biết, việc buộc học sinh yếu kém học lại chương trình cũ chỉ là biện pháp tình thế. Để cải thiện chất lượng giáo dục huyện, thầy có những biện pháp căn cơ hơn.

Cứ bước vô năm học, ngay chiều ngày khai giảng, từ lớp 1 đến lớp 9 tiến hành khảo sát chất lượng học sinh; đề thi do phòng giáo dục ra, coi thi nghiêm túc. Kết quả của kỳ thi này được bàn giao cho giáo viên nhận lớp. Đến cuối năm học, phòng cho thi kiểm tra lại. Nếu tỷ lệ học sinh có bài kiểm tra khá giỏi không tăng, yếu kém không giảm thì giáo viên đó sẽ được xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” và sẽ có những chế tài kèm theo. Ngược lại, dĩ nhiên giáo viên sẽ được xếp loại tốt, được thưởng. Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Tâm nói rằng, với cách làm này giáo viên muốn trụ được trong nghề phải huy động tối đa sức lao động của mình, phải bám từng học sinh, đem hết tâm huyết và chuyên môn ra dạy.

Đối với học sinh, thầy Dụng cũng có những biện pháp cương quyết. Thầy lên danh sách tất cả những học sinh học yếu kém do có hoàn cảnh khó khăn (cha mẹ ly hôn, nhà nghèo khổ...), học sinh kiến thức không đủ chuẩn, gọi chung là học sinh diện thiệt thòi. Sau đó phân công giáo viên dạy kèm miễn phí cho các em. Nếu em nào tiến bộ thì cho lên lớp, không tiến bộ thì ở lại lớp, bất kể đó là học sinh lớp nào. Việc này thầy Dụng đã cho thực hiện được một năm (2005 - 2006). Mặc dù vất vả nhưng giáo viên trong huyện rất ủng hộ giải pháp này, họ cho đó là nhân đạo. Nhiều giáo viên đã hy sinh ngày nghỉ, giờ nghỉ lặn lội đến từng nhà vận động gia đình cho các em đi học và dạy kèm cho các em. Năm đó, Bình Sơn có 453 em tiểu học thuộc diện thiệt thòi. Sau một năm kèm cặp tận tình, có 302 em tiến bộ được lên lớp, số còn lại phải chấp nhận ở lại lớp, chuyện chưa từng xảy ra đối với các học sinh lớp 1, 2, 3 ở Bình Sơn.

Cách đánh giá xếp loại giáo viên giỏi của thầy Đoàn Dụng cũng khác với cách thông thường. Phòng tổ chức đoàn kiểm tra, đột xuất xuống cơ sở dự giờ bất cứ lớp nào. Không hề biết trước, vì vậy không còn chuyện chuẩn bị để lên lớp... diễn. Nhờ vậy, việc đánh giá chất lượng dạy của giáo viên cũng thực chất hơn.

Trưởng phòng Giáo dục Đoàn Dụng bây giờ đã là phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, không chỉ quản ngành giáo dục mà còn phụ trách 6 ngành khác của huyện. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực dạy và thực học ở Bình Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO