Thời điểm thu hoạch thanh trà tốt nhất

N.Q| 15/07/2017 15:31

KHPTO - Sự thay đổi tính chất hóa, lý của quả thanh trà theo độ tuổi thu hoạch là đề tài nghiên cứu của các tác giả Tô Nguyễn Phước Mai, Nguyễn Hải Âu, Lê Ngọc Dương và Trần Thanh Trúc, Trường đại học Cần thơ.

Thanh trà, tên khoa học là Bouea macrophylla (hay Bouea gandaria Blume, Bouea burmanica Griff.) thuộc họ đào lộn hột Anacardiaceae (Siripanuwat et al., 2012). Thanh trà được biết đến là một loài trái cây rất tốt cho sức khỏe, cung cấp một lượng lớn vitamin C, tiền vitamin A, ngoài ra còn có vitamin B1, B2, B3…; các chất khoáng nổi bật với hàm lượng lớn kali, đồng thời với hàm lượng sắc tố màu carotenoid lớn được biết đến với công dụng chống oxy hóa. Ngoài ra, thanh trà còn có các tác dụng khác như giảm cholesterol trong máu, giúp tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân.... Chính vì vậy, thanh trà ngày càng được trồng phổ biến và sử dụng trong chế biến các sản phẩm khác nhau, điển hình như nước quả, nectar hay các sản phẩm mứt từ thanh trà. 
Độ chín của nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm. Khi rau quả đang trưởng thành trong giai đoạn nhất định, có một thời gian các loại rau quả sẽ ở mức chất lượng cao nhất (stand-point) về hàm lượng dinh dưỡng, màu sắc, cấu trúc và hương vị. Chất lượng cao nhất này sẽ nhanh chóng giảm xuống trong vài ngày. Do đó, cần chọn lựa và thu hoạch đúng thời điểm cao nhất về chất lượng dinh dưỡng cũng như duy trì được các đặc tính hóa lý của sản phẩm. Hơn thế nữa, hàm lượng chất khô hòa tan và các thành phần hóa học khác trong nguyên liệu với độ chín khác nhau đều ảnh hưởng rất lớn đến các quá trình chế biến tiếp theo, điển hình như phối trộn, sấy, có tác động tích cực nâng cao tỷ lệ thu hồi trong sản xuất. 
Do đó, cần chọn lựa thanh trà ở mức độ chín phù hợp để tiêu thụ tươi và sản xuất các sản phẩm từ thanh trà. Để xác định độ chín của thanh trà có thể căn cứ vào hình dáng và màu sắc trái. Quả thanh trà còn non hình tròn, màu xanh tối; khi chín thì quả phồng lên căng tròn và tăng khối lượng, quả có hình tròn đối với thanh trà chua hay hình oval đối với thanh trà ngọt. Vỏ quả màu nhạt, vàng dần, nếu dùng dao cắt thấy thịt quả non màu trắng, thịt quả chín có màu vàng da cam. Khi màu vàng da cam đã hiện ra ngoài vỏ và có mùi thơm nhẹ đặc trưng thì quả đã đạt độ chín tối đa.
Thí nghiệm được tiến hành từ tháng đầu 01/2016 đến cuối tháng 03/2016. Thanh trà sau khi ra hoa và bắt đầu thụ phấn (hoa bắt đầu rụng cánh, khô), tiến hành đánh dấu mẫu (ngày 0), số lượng mẫu được đánh dấu 60 mẫu/1 cây, trên 5 cây khác nhau. Mẫu được thu hoạch ở các độ tuổi khác nhau (21, 28, 35, 42, 50 và 57 ngày tuổi); số lượng mẫu mỗi lần thu hoạch là 6 mẫu/1 cây. Thanh trà vượt quá 57 ngày tuổi (từ 58 đến 62 ngày) thường tự rụng hay có hiện tượng đốm đen trên bề mặt nên không là đối tượng để khảo sát. Quả thanh trà ở các độ tuổi thu hoạch dự kiến được cắt ngang cuống, sau đó cho vào thùng carton (có đục sẵn các lỗ có đường kính 20 mm để tránh đọng ẩm), tuy nhiên cần lót giấy báo để tránh va đập làm quả bị dập hay tổn thương. Quả sau khi thu hoạch được vận chuyển về phòng thí nghiệm trong thời gian tối đa 1 giờ. Tiến hành cắt cuống, loại bỏ các quả bị tổn thương cơ học sau đó rửa sạch và làm ráo. Thanh trà được bảo quản lạnh 12±3°C trong quá trình nghiên cứu, thời gian bảo quản lạnh không quá 12 giờ.
Đối với thanh trà, nhận thấy sự gia tăng về cả kích thước ba chiều và khối lượng trong khoảng thời gian từ 21 đến 42 ngày và sự suy giảm không khác biệt ý nghĩa ở giai đoạn từ 42 đến 57 ngày.
Hàm lượng vitamin C cũng là một thông số có sự biến đổi đáng kể trong quá trình sinh trưởng của quả. Kết quả cho thấy có suy giảm liên tục hàm lượng vitamin C trong giai đoạn từ ngày 21 đến ngày 42 và sự gia tăng hàm lượng vitamin C trong đoạn từ ngày 42 đến ngày 57. 
Kết quả khảo sát cho thấy, hàm lượng vitamin C của thanh trà Bình Minh, Vĩnh Long lớn hơn hàm lượng vitamin C trong trái Kundang (20 mg%).
Vitamin C được tổng hợp trong quá trình sinh trưởng và phát triển ở thực vật. Nguyên nhân suy giảm hàm lượng vitamin C là sự giảm biểu kiến do khối lượng quả tăng mạnh (giai đoạn từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 42). Khi khối lượng quả ngừng tăng trưởng, hàm lượng vitamin C tăng trở lại (giai đoạn từ ngày thứ 42 đến ngày thứ 50) và sự gia tăng tiếp tục do sự mất ẩm khi quả chín (giai đoạn từ ngày 50 đến ngày thứ 57). 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các thông số hóa lý của quả thanh trà được trồng tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có sự thay đổi theo độ tuổi thu hoạch. Dựa trên sự thay đổi tính chất của quả thanh trà, quá trình sinh trưởng và phát triển có thể chia thành 2 giai đoạn: (1) giai đoạn tăng trưởng, quả có độ tuổi nhỏ hơn 42 ngày và (2) giai đoạn chín thuần thục, quả có độ tuổi từ 42 đến 57 ngày sau thu hoạch. Giai đoạn thu hoạch quả phù hợp là từ 42 đến 50 ngày tuổi tương đương với thời gian tỷ lệ thịt quả thu hồi đạt cao nhất đồng thời kích thước và khối lượng quả đạt tối đa. Độ tuổi từ 50 đến 57 ngày là thời điểm thích hợp cho việc sử dụng quả trực tiếp, với tỷ số TSS/TA và hàm lượng vitamin C đạt cao nhất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời điểm thu hoạch thanh trà tốt nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO