Thiết bị cán sóng tôn theo trục ngang và cách lợp tôn theo kiểu mới

THÙY AN| 10/04/2009 18:25

Ông Nguyễn Trọng Hào, Công ty Ngôi nhà nhỏ (Q. Tân Bình, TP.HCM) vừa nghiên cứu sáng chế ra thiết bị cán sóng tôn theo trục ngang và giải pháp lợp tôn kiểu mới (đã đăng ký độc quyền về giải pháp hữu ích). Thiết bị cán sóng tôn theo trục ngang - thay vì cán theo trục dọc đang sử dụng trên thị trường - sẽ cho ra một loại tôn mới không lợp theo chiều dọc mà lợp theo chiều ngang, khắc phục được hiện tượng thấm dột hay hở mí. Ngoài ra, ông Hào còn đưa ra một phương pháp lợp tôn kiểu mới có khả năng thoát nước hiệu quả hơn cách lợp hiện nay.

So với loại tôn truyền thống có khổ bề ngang cố định khoảng 1,7 mét, bề dài cắt theo ý muốn, thì loại tôn mới sóng ngang có thể cắt bề ngang theo ý muốn, còn bề dài cố định trong khoảng từ 1 - 1,2 mét (bằng khổ tôn cuộn). Thiết bị cán sóng có kết cấu đơn giản, dễ vận hành, kích thước gọn nhẹ. Tôn được cán sóng ngang bằng các trục lăn, nên bề mặt không trầy xước, tôn có thể cuộn lại được nên dễ dàng khi vận chuyển.

Theo tính toán, khi lợp theo phương ngang, các tấm tôn nối nhau theo phương ngang, lợp từ dưới lên trên từng lớp một, đuôi tấm trên đè lên đầu tấm dưới với khoảng cách tùy ý (tùy theo độ dốc của mái nhà) nên tránh được hiện tượng thấm dột do hở mí (hay thấm dột từ lỗ đóng đinh, bắt vít) của cách lợp tôn giáp mí dọc. Hiện nay để khắc phục những hạn chế này, có giải pháp là sử dụng loại tôn kip lock của nước ngoài, đây là loại tôn không dùng vít, có sóng rất cao để khắc phục hiện tượng dột nơi giáp mí theo chiều dọc. Tuy nhiên loại tôn này có giá khá cao (gấp 3 - 4 lần tôn thường, chưa kể các phụ kiện đi kèm). Do vậy sáng chế vừa nêu trên của ông Nguyễn Trọng Hào và nhóm cộng sự có thể mở ra triển vọng cho một dòng sản phẩm vật liệu xây dựng mới có tính năng sử dụng cao, giá rẻ.

Sóng tôn hình thang

(then cài hình thang nhìn thẳng)

Vị trí then cài khi cố định vào xà gồ

(then cài nhìn phối cảnh)

Nhóm nghiên cứu của ông Hào còn sáng chế ra một giải pháp lợp tôn kiểu mới có khả năng thoát nước, chống dột hiệu quả hơn so cách lợp truyền thống. Cụ thể đầu tiên là bố trí các tấm lợp với sóng tôn có hình dạng thích hợp với then cài lên trên các thanh xà gồ; kế tiếp là cài các then cài vào các sóng tôn ở phía mặt dưới của tấm lợp tại những vị trí tấm lợp gặp thanh xà gồ; sau đó là gắn chặt then cài vào các thanh xà gồ bằng vít (hoặc đinh). Ông Nguyễn Trọng Hào cho biết, phương pháp lợp tôn truyền thống - đóng ốc, vít trực tiếp xuyên qua tấm tôn xuống thanh xà gồ ở bên dưới để gắn chặt tấm tôn vào thanh xà gồ - có hạn chế là tấm tôn đã bị xuyên thủng nên dễ bị thấm, dột tại vị trí bắt vít nên sẽ dễ bị rỉ sét sau một thời gian sử dụng, làm giảm đáng kể chất lượng và tuổi thọ của công trình. Phương pháp lợp tôn kiểu mới chủ yếu được tiến hành ở dưới mái công trình, nên có thể dễ dàng nhìn thấy được thanh xà gồ và then cài, do đó thao tác gắn then cài vào thanh xà gồ sẽ được thực hiện chính xác hơn.

THÙY AN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết bị cán sóng tôn theo trục ngang và cách lợp tôn theo kiểu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO