Thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tuần qua

Phương Trâm| 24/05/2010 14:26

Xu hướng kinh tế thế giới từ kích thích tài chính đến thắt chặt hầu bao khi một số nước đang thực hiện kế hoạch "đóng băng” các khoản chi tiêu công; gói cứu trợ Hy Lạp hay “bệnh nợ” của khu vực châu Âu và những dự đoán về cuộc khủng hoảng tài chính mới; đồng euro xuống giá và những hệ luỵ; châu Âu bất bình vì lệnh cấm bán khống của Đức; kinh tế Mỹ phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dù tài sản Mỹ đang thu hút mạnh các nhà đầu tư; những vấn đề nội tại của kinh tế Trung Quốc và tiếp tục câu chuyện định giá lại đồng NDT…là những vấn đề tài chính quốc tế nổi bật.<_o3a_p>

Từ kích thích tài chính đến thắt chặt hầu bao

Khi khủng hoảng tài chính nổ ra, vai trò của nhà nước gia tăng và hàng nghìn tỷ USD đã được chi tiêu trong bảo lãnh cho các ngân hàng và các định chế tài chính, ngăn chặn nguy cơ sụp đổ kinh tế, GDP từ âm chuyển sang dương... Nhưng ở nhiều quốc gia, nợ chính phủ vẫn cao, các giới hạn chi tiêu chính phủ nhanh chóng tiến sát ngưỡng giới hạn. Giải quyết nợ chính phủ và các khoản vay mới bù đắp cho thâm hụt ngày càng tăng đòi hỏi phải có đủ kinh phí hoặc từ các nhà đầu tư trên thị trường, hoặc thông qua việc “in tiền” (chính phủ tự cho mình vay), và nếu thiếu ngân quỹ thì tình trạng vỡ nợ hiện dần ra. Đó là hình ảnh điển hình của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp hiện nay.

Hy Lạp đã công bố gói chính sách cắt giảm trợ cấp, tiền lương và giảm chi tiêu công nhằm giảm thâm hụt của chính phủ. Nhưng các cuộc biểu tình đường phố và đình công đã bắt đầu ngay cả khi các chính sách được thực hiện đang làm dấy lên câu hỏi liệu Hy Lạp sẽ có thể duy trì các chính sách cần thiết.

Trong khi đó, Tây Ban Nha mới đây công bố cắt giảm chi tiêu sâu rộng, bao gồm giảm 5% tiền lương công chức. Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ cắt giảm thâm hụt của chính phủ từ 9,4% GDP năm nay xuống còn 4,6% trong năm tới, bao gồm cả tăng thuế và cắt giảm lương.

Còn tại Đan Mạch, Thủ tướng Lars Loekke Rasmussen cũng vừa thông báo kế hoạch “đóng băng” các khoản chi tiêu công của nước này, với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách chung của Liên minh châu Âu. Nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giúp Chính phủ Đan Mạch giảm chi tiêu ngân sách 10,5 tỷ kroner vào năm 2013. Nước này cũng phát đi thông điệp thoát khỏi khủng hoảng mà không rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Người ta e ngại rằng các biện pháp cắt giảm chi tiêu sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế của khu vực châu Âu bị chậm lại. Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính EU đang cố gắng khôi phục lòng tin của dư luận. Tại cuộc họp ở Brussels ngày 18/5, các bộ trưởng tài chính cho biết, EU chỉ yêu cầu tiếp tục cắt giảm chi tiêu ở những nước nào thâm hụt ngân sách cao.

Lo ngại nợ công

Tin về nợ công tại nhiều quốc gia, khiến dư luận hoang mang. Trong một báo cáo mới công bố, Ngân hàng Goldman Sachs cho biết tính đến cuối năm 2009, tổng nợ công của Trung Quốc là 15.700 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 48% GDP của nước này, trong đó chủ yếu là nợ của chính phủ (chiếm 20% GDP) và nợ của các chính quyền địa phương (chiếm 23%). Gold man Sachs cho rằng về tổng thể, nợ của Chính phủ Trung Quốc ít rủi ro, nhưng gần đây quy mô nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc lại tăng lên và điều này sẽ làm gia tăng một cách không cân đối “rủi ro thanh toán” của chính quyền địa phương.

Không là ngoại lệ, nợ của Mỹ, Nhật Bản, Canada cũng đang làm mọi người đứng ngồi không yên. Số liệu Bộ tài chính Nhật Bản công bố ngày 10/5 cho thấy tổng nợ của nước này chiếm tới 229% GDP, đứng đầu trong số các nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đối với trường hợp của Mỹ, dự kiến vào năm 2011, thâm hụt ngân sách nước này sẽ ở mức 1.600 tỷ USD, trong khi nợ sẽ là hơn 50% GDP. Còn trường hợp Canađa, nếu chia bình quân, mỗi người dân nước này nợ hơn 40.000 USD, đứng đầu trong số 20 nước phát triển trên thế giới và là mức cao nhất trong lịch sử. Theo tạp chí Nhà kinh tế cho thấy, tính đến tháng 2/2010, tổng nợ của tất cả các nước trên thế giới đã vượt qua mốc 36.000 tỷ USD.

EU cấp khoản vay khẩn cấp 14,5 tỷ euro cho Hy Lạp

Theo nguồn tin giấu tên từ Bộ tài chính Hy Lạp, ngày 18/5 quốc gia này được nhận khoản vay khẩn cấp 14,5 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), trước thời điểm phải trả số nợ đáo hạn 9 tỷ euro vào ngày 19/5. Khoản vay 14,5 tỷ euro trên là một phần trong gói cứu trợ Hy Lạp trị giá 110 tỷ euro (136 tỷ USD) đã được EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua mới đây. Tuần trước, Hy Lạp đã nhận được 5,5 tỷ euro từ gói cứu trợ đầu tiên của IMF. Dự kiến, Aten sẽ tiếp tục nhận 9 tỷ euro vào tháng 9 tới, trong đó 6,5 tỷ euro từ Khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone) và 2,5 tỷ euro của IMF.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng “Quỹ cứu trợ” khổng lồ - với 750 tỷ euro (hơn 1 nghìn tỷ USD) – đã giúp trấn an tâm trạng hoang mang của dư luận, nhưng không mang lại những thay đổi cơ cấu cần thiết trong nội bộ khu vực đồng euro, đơn giản là vì bất đồng giữa họ - về vấn đề phát triển kinh tế, nợ và quan trọng hơn cả là khả năng phục hồi kinh tế - là quá lớn.

ECB bắt đầu mua trái phiếu

Ngày 17/5, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu mua vào trái phiếu chính phủ giao dịch trên thị trường thứ cấp nhằm tăng cường tính thanh khoản cho thị trường, để góp phần ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng nợ công tại khu vực. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của ECB, ngân hàng trung ương này thực hiện việc can thiệp vào thị trường.

Đồng euro yếu và những hệ luỵ

Cụ thể, ngày 17/5, một euro chỉ còn đổi được 1,23 USD và đồng tiền châu Âu này cũng thụt lùi so với đồng yên Nhật. Kế hoạch 750 tỷ euro hỗ trợ các thành viên gặp khó khăn không làm an tâm giới đầu tư. Các sàn giao dịch châu Á đồng loạt trượt giảm từ trên 2% đến gần 4%. Đồng euro rơi tự do.

Trong lúc các nước châu Âu chật vật đối phó với thâm thủng ngân sách thì đây lại là thời điểm thuận lợi cho Mỹ. Đối với các nhà đầu tư thì xét về mặt an toàn, mua cổ phần tại Mỹ có lợi hơn. Đồng euro mất giá là một dấu hiệu cho thấy “thế vững chắc” của đồng USD. Thậm chí, chính sách “thắt lưng buộc bụng” tại châu Âu sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho hoạt động kinh tế.

Châu Âu bất bình vì lệnh cấm bán khống của Đức

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực khôi phục tinh thần đoàn kết trong khối sau khi Đức gây sốc với lệnh cấm bán khống đối với các tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu và bảo hiểm tín dụng.

Quyết định của Đức, ngay lập tức cấm bán trước thời hạn các loại trái phiếu và cổ phiếu, cũng như một số giao dịch liên quan đến hoạt động trao đổi vỡ nợ tín dụng công - một hình thức bảo hiểm nợ - càng khiến mọi người ngạc nhiên hơn khi nó được công bố trước các bộ trưởng tài chính EU tại một hội nghị ngày 18/5. Hội nghị này tập trung vào các nỗ lực của EU nhằm quản lý tốt hơn các quỹ đầu tư khác và phối hợp các chính sách để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính và nợ, vì vậy, việc thảo luận về lệnh cấm bán trước thời hạn là không thích hợp. Ngày 19/5, Uỷ ban châu Âu (EC) đã cố giải thích rằng mặc dù họ hiểu quyết định của Đức, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu nước này phối hợp với các thành viên còn lại của EU gồm 27 nước thành viên.

Lệnh cấm khiến các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đồng loạt lao dốc và đẩy đồng euro xuống mức giá thấp nhất trong 4 năm so với đồng USD thêm một lần nữa, do giới đầu tư lo ngại nó sẽ kìm hãm kinh tế toàn cầu. Bán khống vô căn cứ (naked short selling) là việc nhà đầu tư đặt lệnh bán chứng khoán mà họ không thực sự sở hữu hoặc vay mượn. Lệnh cấm bán khống vô căn cứ của Đức được áp dụng đối với 10 cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và hợp đồng hoán đổi tín dụng (một dạng bảo hiểm tài chính) dựa trên những trái phiếu chính phủ. Chính quyền Berlin muốn ban hành lệnh cấm bán khống vô căn cứ để ngăn chặn tình trạng đầu cơ tài chính. Theo quan điểm của Đức, đầu cơ tài chính là thủ phạm gây nên khủng hoảng nợ hiện nay tại châu Âu.

Trái phiếu chính phủ Mỹ hấp dẫn nhà đầu tư

Ngày 17/5 Bộ tài chính Mỹ thông báo mức cầu của tài sản tài chính dài hạn Mỹ tăng mạnh trong tháng ba do các nhà đầu tư đến từ Anh, Trung Quốc đã mua phần lớn trái phiếu kho bạc Mỹ.

Theo Bộ tài chính Mỹ, khối lượng nắm giữ các loại trái hiếu dài hạn do Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ phát hành đã tăng thêm 140,5 tỷ USD trong tháng 3; một mức tăng lớn chưa từng có, vượt kỷ lục cũ là 135,8 tỷ USD vào tháng 5/2007. Trước đó, lượng mua ròng các loại nợ dài hạn của Mỹ trong tháng 2 cũng tăng 47 tỷ USD, sau khi đã tăng 15 tỷ USD trong tháng 1. Tổng lượng trái phiếu chính phủ Mỹ do các chủ nợ nước ngoài nắm giữ đã tăng 3,5% trong tháng 3, lên 3.900 tỷ USD.

Sự tăng vọt nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ của Mỹ phản ánh sự tin tưởng của giới đầu tư nước ngoài đối với những diễn biến tích cực của nền kinh tế Mỹ. Lạm phát tháng 4/2010 của nền kinh tế đầu tàu thế giới tăng chậm nhất trong 40 năm qua. Giới phân tích cho rằng, điều này sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp như hiện nay.

Hãng tin AP cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 của Mỹ giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua. Giá năng lượng đã giảm 1,4%, mức giảm trong một tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2009. Riêng giá xăng dầu giảm tới 2,4%. Đây được coi là yếu tố chính giúp CPI của Mỹ giảm 0,1% trong tháng 4, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2009.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là vấn đề của nước Mỹ năm 2010. Mỹ cũng đang ngấp nghé bờ vực của khủng hoảng nợ khi tỷ lệ nợ đã lên đến mức nguy hiểm khi phải dành lần lượt tới 7% và 11% thu nhập từ thuế để trả nợ năm 2010 và năm 2011. Thâm hụt ngân sách đã lên tới mức kỷ lục 10% GDP kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Trong năm tài chính 2010, thâm hụt ngân sách của Mỹ dự kiến đạt mức kỷ lục hơn 1,5 nghìn tỷ USD và nợ dự kiến lên tới khoảng 12,4 nghìn tỷ USD. 10 bang của Mỹ đang đứng trước nguy cơ có thể bị phá sản, do phải đối phó với thâm hụt ngân sách bang lên tới 180 tỷ USD trong năm tài chính tới.

Mỹ chính thức thông qua dự luật phố Wall

Với tỷ lệ 59 phiếu thuận trên 39 phiếu chống, thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua dự luật cải tổ tài chính sâu rộng nhất kể từ đại suy thoái thập niên 1930.

Dự luật cũng đưa ra các biện pháp quản lý và minh bạch thị trường phái sinh, một công cụ tài chính phức tạp được cho là đã góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

ADB cảnh báo về dòng vốn “không ổn định” vào châu Á

Ngày 18/5, ADB phát đi thông cáo với nội dung tập trung vào bản báo cáo về thị trường vốn khu vực vừa công bố. Thông cáo trên nhấn mạnh: các thị trường vốn ở khu vực châu Á mới nổi đã công bố các mức lợi nhuận ngày càng tăng khi sự phục hồi kinh tế ở khu vực đang tiến triển, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn từ bên ngoài. Tác động của vấn đề nợ nần leo thang ở châu Âu không lớn.

Tuy nhiên, các nền kinh tế và các thị trường đang đối mặt với hàng loạt những rủi ro khác khi lạm phát, cho dù có thể kiểm soát được, đang tăng cao và khi các chính phủ chuẩn bị kết thúc các gói kích thích kinh tế.

(Theo Ngân hàng Nhà nước)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO