Thị trường bất động sản TP.HCM còn vướng 5 điểm nghẽn

M. Thành (Theo TTXVN)| 29/06/2017 22:04

KHPT - Đây là đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) trong báo cáo về thị trường bất động sản TP.HCM 6 tháng đầu năm 2017.

Cụ thể, điểm nghẽn tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, ẩn số và tạo ra cơ chế “xin - cho”, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu. Điểm nghẽn tiếp theo là giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra. Tiếp đó là điểm nghẽn về chuyển nhượng dự án bất động sản do pháp luật quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có nhiều dự án thế chấp làm tài sản bảo đảm, nhiều trường hợp là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu ngân hàng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, TP.HCM có khoảng 500 dự án hiện đang ngừng triển khai là “phần chìm của tảng băng hàng tồn kho”, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hợp lý và hiệu quả để xử lý triệt để vấn đề này. Do vậy, chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án - một hoạt động kinh doanh cần được coi là bình thường của các doanh nghiệp.

Một điểm nghẽn khác được HoREA chỉ ra là chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản, trong lúc tính chất hoạt động của thị trường này là trung hạn, dài hạn.

Theo HoREA, đến nay mới chỉ có một quỹ đầu tư bất động sản trong nước là Quỹ đầu tư TCREIT thuộc Techcombank thành lập tháng 7/2016. Mặt khác, lãi suất cho vay bất động sản vẫn còn cao (trên dưới 10%/năm).

Điểm nghẽn cuối cùng là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Dẫn chứng về điểm nghẽn này, HoREA cho rằng hiện nay khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp 1 (từ trên 20 tầng) đều phải thông qua Cục quản lý các hoạt động xây dựng (Bộ xây dựng), sau đó nộp hồ sơ này về Sở xây dựng để xin cấp giấy phép xây dựng. Lẽ ra quy trình cấp giấy phép xây dựng đã phải bao hàm công tác thẩm định thiết kế, nhưng lại bị tách ra thành 2 quy trình.

Theo ông Lê Hoàng Châu, rất cần thiết và hợp lý nếu phân cấp cho Sở xây dựng cũng có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình cấp 1. Như vậy sẽ rút ngắn được thời gian làm thủ tục hành chính, giúp dự án sớm triển khai thực hiện và góp phần làm giảm giá thành nhà ở.

Để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, HoREA đã kiến nghị nhiều giải pháp như cần thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất dự án để giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế “xin - cho” trên thị trường bất động sản. Đồng thời, cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án.

Mặt khác, HoREA kiến nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản TP.HCM còn vướng 5 điểm nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO