Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Không chủ quan, cũng không quá lo lắng!

ANH THƯ| 10/07/2020 08:13

KHPTO - Sau khi làm việc với ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 một số tỉnh, bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá những chuẩn bị đến thời điểm này là “khá yên tâm”, nhưng dù đã có những bước chuẩn bị ban đầu khá nhuần nhuyễn, song thi cử là không thể chủ quan. “Không chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, càng không nên tạo ra áp lực, căng thẳng cho học sinh, giáo viên”, bộ trưởng nói.

Về điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, bộ trưởng nhắc đến việc có thêm sự tham gia của thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh. Năm nay, dù không huy động lực lượng từ đại học tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ GD&ĐT huy động lực lượng hơn 6.000 cán bộ, giảng viên đại học tham gia công tác thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi.

“Kỳ thi năm nay, cùng một đối tượng, một thời gian nhưng có 3 lực lượng thanh tra. Chúng tôi đã làm việc với thanh tra Chính phủ để các khâu không bị chồng chéo. Cán bộ làm công tác thanh tra cũng được tập huấn để làm tốt nhiệm vụ”, bộ trưởng cho biết.

Để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ban chỉ đạo thi cấp quốc gia và các ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ trong ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Trong đó, ban chỉ đạo các cấp phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tránh chung chung.

Các địa phương cũng cần quán triệt sâu rộng để tất cả những người tham gia kỳ thi hiểu rõ được trách nhiệm, “đều tay” trong thực hiện nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. “Trong hàng ngàn người tham gia vào kỳ thi, chỉ 1 - 2 người còn “lơ mơ” sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung”, bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, từng đơn vị, từng người tham gia vào kỳ thi phải cố gắng thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. Tổ chức một kỳ thi khách quan, nghiêm túc chính là tạo niềm tin cho nhân dân, công bằng cho học sinh.

Ban chỉ đạo thi của tỉnh cần có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, để từng người biết rõ chức năng, nhiệm vụ; các đơn vị khi cử người tham gia phải là những người có trách nhiệm, chuyên tâm. Sở GD&ĐT được giao là đơn vị thường trực cho ban chỉ đạo để điều phối, tư vấn triển khai các nhiệm vụ chứ không phải làm thay các đơn vị khác, vì vậy, Sở GD&ĐT phải làm tốt vai trò cầu nối này thông qua việc xây dựng một kế hoạch “tầm soát”.

“Sở GD&ĐT cần xây dựng một kế hoạch “tầm soát” để phân công trong ban chỉ đạo, trong đó có tiến độ thời gian để làm căn cứ thực hiện, đôn đốc và nhắc nhở. Một việc giao cho một người chịu trách nhiệm, tránh giao 2 - 3 người cùng một việc dẫn tới không ai chịu trách nhiệm. Việc “tầm soát” cũng sẽ giúp dự báo được những vấn đề có thể xảy ra để phòng ngừa trước. Không để xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục”, bộ trưởng lưu ý.

Từng thành viên ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh cần chủ động có kế hoạch làm việc cụ thể để phân chia thời gian sao cho phù hợp và hiệu quả, bởi đa số các thành viên làm việc kiêm nhiệm.

Cho rằng công tác hậu cần là rất quan trọng, bộ trưởng đề nghị các tỉnh tập trung cho công tác này, trong đó lưu ý bố trí nguồn kinh phí để bảo dưỡng và đầu tư mới hệ thống camera tại các khu vực lưu trữ đề thi, bài thi, phòng chấm thi; hệ thống công nghệ thông tin, máy chủ phục vụ công tác chấm thi... Tránh tình trạng không đồng bộ, trục trặc, ảnh hưởng tới kỳ thi.

Để giáo viên, học sinh, phụ huynh có đầy đủ thông tin về kỳ thi, nhất là những chỉ đạo, hướng dẫn quyết liệt, đồng bộ của ban chỉ đạo các cấp, từ đó có niềm tin về một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, ban chỉ đạo thi cần triển khai hiệu quả công tác truyền thông. Trong đó, nhấn mạnh tuyên truyền những nội dung đã làm, đang làm để nhân dân yên tâm; những nỗ lực trong tổ chức kỳ thi để phụ huynh, học sinh không quá căng thẳng.

Đây là năm đầu tiên sau khi có kết quả kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức so sánh phổ điểm thi tốt nghiệp với điểm học bạ của học sinh. Đánh giá về hoạt động này, bộ trưởng cho rằng, đây là cơ hội để các địa phương khẳng định chất lượng giáo dục, song cũng đặt ra vấn đề về sự đánh giá thực chất. Từ đó, bộ trưởng lưu ý các địa phương cần chỉ đạo các nhà trường thực hiện đánh giá đúng, thực chất kết quả học tập của học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Không chủ quan, cũng không quá lo lắng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO