Thế giới vi sinh đường ruột & sức khỏe

01/11/2008 15:48

Có hàng trăm ngàn tỷ vi sinh vật sống, là sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Bắt đầu từ dạ dày, vi khuẩn gần như bằng “không”, chỉ có vi khuẩn gây loét dạ dày Helicobacter pylori là có thể hiện diện, xuống ruột tăng dần lên khi đến đoạn ruột già. Vi khuẩn có lợi đóng góp vô cùng quan trọng cho chức năng tiêu hóa và giúp cân bằng hệ vi khuẩn ruột.

Thế giới vi sinh đường ruột chúng ta bao gồm vi khuẩn cộng sinh và vi khuẩn gây bệnh.

Khi mới sinh ra, đường tiêu hóa của chúng ta “sạch” không có vi khuẩn, do những tiếp xúc đầu tiên với môi trường, bú mẹ... vi khuẩn bắt đầu xâm nhập. Những cá thể vi khuẩn có cơ may thoát qua được dịch vị đến ruột sẽ tăng sinh nhanh chóng, tồn tại và phát triển, dần dần tạo nên quần thể vi sinh vật với sự cân bằng tự nhiên. Tiếp xúc đầu tiên với môi trường rất quan trọng quyết định nhiều đến sức khỏe đường ruột và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là giai đoạn hệ vi sinh đường ruột biến động nhất, gây nhiều rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, giảm đề kháng, dễ nhiễm bệnh...

Khi trưởng thành, vi sinh vật đường ruột ổn định và cân bằng hơn. Tuy nhiên cũng có thể bị mất cân bằng do ảnh hưởng của môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bia rượu, thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị liệu, hoặc ngay cả căng thẳng công việc... Vì vậy rối loạn đường ruột vẫn thường xuyên xảy ra.

Với người già, vi sinh vật có lợi có xu hướng giảm nhưng vi sinh vật gây bệnh lại tăng, do đó người già thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, viêm đại tràng, sình bụng, đi phân sống..., giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, uống sữa bị tiêu chảy, giảm đề kháng, bệnh tật, kể cả ung thư ruột kết.

Bằng cách nào vi khuẩn cộng sinh đem lại lợi ích cho sức khỏe?

Vi khuẩn có lợi (vi khuẩn cộng sinh) đem lại lợi ích bằng cách tái lập cân bằng tự nhiên trong hệ tiêu hóa, giúp đường ruột khỏe mạnh bằng cách bám chặt, chiếm lĩnh thành ruột và cạnh tranh chất dinh dưỡng với vi khuẩn có hại; ngăn ngừa vi khuẩn có hại tấn công và phát triển, tăng cường chức năng chống đỡ của niêm mạc ruột, giúp khống chế vi khuẩn gây hại. Vi khuẩn cộng sinh làm giảm thiểu sự di chuyển của các vi khuẩn và kháng nguyên từ ruột vào mạch máu, do đó giúp giảm nhiễm khuẩn và dị ứng đối với các kháng nguyên có trong thực phẩm.

Một số vi khuẩn cộng sinh sản sinh ra kháng sinh như bacteriocins giúp ngăn ngừa và tiêu diệt mầm bệnh; sản sinh ra metabolic, butyrat và butyric acid có khả năng chống ung thư.

Vi khuẩn cộng sinh giúp tăng cả phản ứng miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu bằng cách kích thích các tế bào phản ứng miễn dịch (macrophages, lymphocytes) và tăng cường sự sản xuất ra các thành phần miễn nhiễm (cytolines, immunoglobulins, interferon).

Một số vi sinh vật có lợi trong ruột non hạn chế hấp thu cholesterol, giúp giảm cholesterol trong máu; sản sinh ra các enzym khắc phục quá trình tiêu hủy carbohydrat, làm thuận tiện hơn việc hấp thụ năng lượng từ các chất dinh dưỡng; đồng thời lên men những carbohydrat không được tiêu hóa trong ruột non và sản sinh ra vitamin B, K. Vi sinh vật có lợi ruột già giúp tiêu hóa thức ăn chưa được tiêu hóa tại ruột non, giúp tăng hấp thu dinh dưỡng đồng thời giúp sạch ruột, ngăn ngừa phản ứng thối rữa do những phản ứng của vi khuẩn gây hại. Vi sinh vật có lợi giúp tăng khả năng dung nạp lactose nhờ kích thích sản sinh lactaze.

Hãy bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đường ruột!

Đường ruột đảm trách tất cả chức năng tiêu hóa dinh dưỡng nuôi nấng toàn bộ cơ thể, trong đó, như ta đã biết qua cơ chế tác động, vi khuẩn cộng sinh góp phần quan trọng cho chức năng tiêu hóa và giúp cân bằng hệ vi khuẩn ruột, khống chế vi khuẩn gây hại. Đặc biệt, vi khuẩn cộng sinh còn có vai trò phòng vệ và đề kháng bệnh tật, giúp cơ thể khỏe mạnh. Bởi vì 70 - 80% hệ thống miễn dịch của cơ thể (sản sinh ra IgA) được đặt tại thành ruột, nên sự thiếu hụt một lượng đủ probiotics có thể phá hủy hệ thống miễn dịch này.

Cuộc sống bận rộn lo toan thường dẫn đến stress hoặc cơ thể suy yếu bệnh tật, giảm khả năng đề kháng. Khi mắc bệnh phải dùng thuốc hóa trị liệu và kháng sinh kéo dài. Do tính chất công việc phải công tác xa, tiếp khách phải dùng bia rượu... Những nguyên nhân này và nhiều yếu tố khác nữa làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà đặc biệt là tác động trực tiếp lên hệ tiêu hóa, làm rối loạn men vi sinh gây nên những triệu chứng hết sức phiền toái như tiêu chảy, sình bụng, đầy bụng, đi phân sống, viêm ruột, viêm đại tràng, táo bón. Rối loạn lâu dài ảnh hưởng chuyển hóa giảm khả năng hấp thu, giảm dung nạp lactose, tăng cholesterol, giảm đề kháng, sinh sản phẩm phụ, sinh độc chất, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác, thậm chí tạo yếu tố gây ung thư.

Để đường ruột khỏe mạnh, cần giữ vệ sinh cá nhân, chọn lựa sản phẩm và ăn uống hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường, tránh yếu tố bất lợi gây mất cân bằng hệ vi khuẩn ruột.

Khi bị rối loạn đường ruột, việc dùng men vi sinh đúng cách là giải pháp tốt nhất để cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Các sản phẩm men vi sinh thông thường có nhiều trong thực phẩm như kim chi, dưa chua, phomat, sữa chua... hay trong dược phẩm. Việc chọn lựa sản phẩm nào tốt cho người tiêu dùng là không dễ, vì men vi sinh khó sống khi bảo quản, dễ chết khi bị tác động bởi acid dạ dày và muối mật. Các sản phẩm thực phẩm chỉ chủ yếu cho giá trị dinh dưỡng, không hiệu quả rõ rệt khi sử dụng với mục đích điều trị rối loạn đường ruột.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Probiotic thế hệ thứ 4: Sản phẩm của công nghệ bao kép

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới vi sinh đường ruột & sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO