Thầy giáo Hoàng Đức Huy: Khơi mạch hứng thú tự học văn cho học sinh

23/11/2007 16:04

Xuất phát từ thực trạng học trò ngày càng chán học môn văn do cách dạy theo kiểu “thầy đọc trò chép”, thầy Hoàng Đức Huy (Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 4, TP.HCM) đã tìm tòi và bắt tay thực hiện đề án: đưa môn văn lên mạng.

Tạo niềm hứng thú học tập

Thầy Huy từng là hiệu trưởng trong 10 năm liền của hai trường tiểu học Lý Nhơn và Đặng Trần Côn (Q.4, TP.HCM). Việc xin về Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 4 để được đứng lớp làm giáo viên dạy văn cấp 2 quả là một chuyện khá “bất thường”. Nhưng, như lời thầy thú nhận, đó là “để thỏa mãn niềm đam mê viết sách”. Và điều ấy đã phục vụ rất nhiều cho công tác giáo dục với hàng chục đầu sách hướng dẫn phương pháp làm văn từ cấp 1 đến cấp 2 và làm các bài tập trắc nghiệm tiếng Anh cấp 3. Năm 2003, thầy tiếp tục trình làng quyển sách: Giáo án điện tử dành cho các môn ngữ văn và khoa học xã hội, với những hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu. Đam mê dạy văn, thầy Huy lại khá đau đầu trước thực trạng học sinh ngày càng chán và sợ học môn văn. Với phương châm “dạy học là dạy học sinh tự học, tạo cho học sinh hứng thú học tập”, thầy bắt đầu nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học văn.

Đối diện với rất nhiều khó khăn và trở ngại trước mắt (thiếu phòng, phần nhiều học sinh chưa biết vi tính, không có máy để thực hành...), bước đầu, thầy phải “dạy chay” về cách tạo email và gởi email. Khi các em đã có email riêng, bước tiếp theo là hướng dẫn gởi file, viết nhật ký, làm văn, thơ theo chương trình học và theo trình độ của các em. Thầy tâm sự: “Với trên 300 em học sinh, phải nhận từng ấy email có nội dung hoàn chỉnh, quả là rất mệt nhưng thấy các em nhiệt tình ủng hộ và làm theo nên khó mấy tôi cũng kiên trì”.

Hiệu quả từ phương pháp dạy thiết thực

Thầy Hoàng Đức Huy (trái) và TS. Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM

Trước tiên, thầy hướng dẫn các em tự soạn bài văn trong vở: khi muốn tìm hiểu một tác phẩm nào thì các em phải kết hợp đọc tài liệu và tìm tòi thêm trên mạng, sau khi đã có được những thông tin cần thiết thì phải đọc kỹ, sau đó gạch dưới những nội dung chính của bài học rồi ghi tóm tắt vào vở. Bằng cách nêu vấn đề và đặt câu hỏi, thầy dễ dàng tạo nên không khí sôi nổi, tìm tòi, tự do suy nghĩ, tự do phát biểu về nội dung, tính nghệ thuật, ý kiến đồng tình hay chưa đồng tình, nhận xét riêng của mình... Qua đó, các em sẽ bộc lộ nhận thức, thầy sẽ có sự chỉnh sửa, bổ sung, góp ý thêm, kịp thời uốn nắn cái sai, khắc sâu cái đúng vào trí nhớ của học sinh. “Chính không khí cởi mở trao đổi thân mật giữa thầy và trò về những vấn đề của cuộc sống mà nhà văn, nhà thơ nêu lên sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của tiết giảng, làm cho tiết học không còn nhàm chán” - theo lời em Nguyễn Lê Quỳnh Như, học sinh lớp 9N.

Sau đó thầy “nâng cấp” lên một bước - hướng dẫn tạo bài soạn điện tử (chương trình PowerPoint), mỗi nhóm gồm 3 học sinh chọn một tác phẩm văn học để thực hiện. Với một bài soạn, thầy cho các em làm ít nhất 10 slide: slide đầu tiên để giới thiệu về bản thân, trường, lớp; slide 2, 3, 4 dùng để tóm tắt bài soạn, tiểu sử tác giả...; slide 6 là nơi có thể phát biểu cảm nghĩ riêng (“Thích nhất là slide này vì em có thể khen chê và nói lên cảm nghĩ về bài văn” - em Phạm Nguyễn Hồng Ân - lớp 9N cho biết). Còn các slide 7, 8, 9 là phần tư liệu, nhiều màu sắc nhất vì chứa nhiều hình ảnh. Slide thứ 10 dành để nói lời cám ơn.

Để thêm phần phong phú và hấp dẫn, kích thích khả năng ham học ở các em, thầy Huy còn hướng dẫn việc cài nhạc và phim vào các slide. Không những thế, kể cả những khung hình nền (background) cũng được thầy hướng dẫn rất chi tiết - từ những màu sắc có sẵn hay những tấm ảnh tùy thích làm nền, đến các hiệu ứng chữ, kiểu chữ tha hồ lựa chọn... Sau khi hoàn tất, mỗi nhóm cử một người đứng ra thuyết trình.

Với phương pháp dạy trên, thầy Huy đã thực sự tạo nên không khí hứng thú trong học văn. Thông qua đó, học sinh biết tự khám phá và chia sẻ thêm các kiến thức văn học qua việc tìm tài liệu trên mạng, biết đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi làm việc nhóm. Mặt khác, các em sẽ tự hoạt động độc lập, thu thập và xử lý thông tin theo tinh thần đổi mới cách học - được tự học, tự sáng tạo, tự thiết kế bài học, đúng theo tâm nguyện của thầy Huy: “Đỉnh cao của nghệ thuật dạy học là khơi được mạch hứng thú tự học, tự sáng tạo của học sinh”. Kết quả đã không nằm ngoài mong đợi khi trong năm học 2007, đội tuyển môn văn của trung tâm gồm 3 em học sinh dưới sự dẫn dắt của thầy Huy đều đoạt giải học sinh giỏi văn cấp thành phố (gồm 2 giải nhì và 1 giải ba). Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 7/2007, thầy đã hoàn thành xong quyển sách (cũng thuộc hàng “hiếm”), có nội dung hướng dẫn học sinh lên mạng Internet.

Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, hết mình vì học trò, món quà có ý nghĩa mà thầy Huy nhận được nhân ngày 20/11 là tình cảm của học trò khi nghĩ về thầy, tấm gương sáng. Em Huỳnh Thị Ngọc Hiếu (lớp 9N) bộc bạch: “Thầy đã gợi cho em ý nghĩ: có cố gắng thì sẽ có thành công. Và em cũng rất biết ơn thầy vì nhờ thầy mà em đã biết thêm được nhiều thứ. Học với thầy không chỉ biết thêm về việc lên mạng mà còn học được nhiều thứ hơn về cách sống trong xã hội, về cách làm người, nhất là cách trở thành một người tốt...”. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầy giáo Hoàng Đức Huy: Khơi mạch hứng thú tự học văn cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO