Tháo gỡ khó khăn đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

HỒNG DUNG| 15/10/2021 14:10

KHPTO - Ở nước ta, đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đang gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Thực tế đó đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Làn sóng thứ 4 của đại dịch tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp và khó lường, tại Việt Nam. Trong đó, đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, trong đó có TP. HCM - nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế và thu ngân sách.

UBND TPHCM đã có văn bản gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND quận - huyện về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND quận, huyện và cơ quan liên quan hỗ trợ tư vấn, đào tạo về công cụ quản trị năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm; hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực của HTX sản xuất và chế biến nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 150 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố là 0,5% và thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã. Đây là các mục tiêu trọng tâm mà UBND TP.HCM xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 vừa được ban hành.

Thành phố khuyến kích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học, công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Một số giải pháp cụ thể được UBND TP.HCM đề ra, thành phố đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã có quy mô lớn, doanh thu lớn, sử dụng nhiều lao động… nhằm phát huy tối đa mọi tiềm lực và năng lực của hợp tác xã, tạo điều kiện cho hợp tác phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu tiên hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn và được hưởng lãi suất tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với các hợp tác xã nông nghiệp.

Mặt khác, TP.HCM triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các đối tượng là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư; nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể về hỗ trợ ưu đãi giao đất, cho thuê đất đối với các hợp tác xã theo quy định Luật Hợp tác xã năm 2012 và Luật Đất đai.

Thành phố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thành phố cũng hỗ trợ vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại…

Cùng với việc tăng nguồn vốn của Quỹ Trợ vốn thành viên hợp tác xã thành phố; trong đó, phấn đấu đến năm 2030, quỹ có nguồn vốn hoạt động đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng…, TP.HCM xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố như rau, hoa, bò sữa, heo, cá cảnh, tôm nước lợ... Qua đó, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO