Thành tựu trong ngành nhãn khoa ở TP.HCM

13/01/2006 23:09

Bệnh đục thủy tinh thể (TTT) là căn bệnh gây mù hàng đầu trên thế giới và tập trung cao nhất ở các nước đang phát triển. Qua điều tra cơ bản ở TP.HCM, tỉ lệ bệnh đục TTT là 2,5%, chiếm 50 - 60% trong số người mù và số mù hai mắt cần mổ là 0,6% trong dân số. Nếu tính ở TP.HCM, với dân số là 8 triệu người thì số bệnh nhân cần mổ là 45.000 - 50.000 người.

Trong những năm 1980, với điều kiện trang thiết bị còn hạn chế, đội ngũ cán bộ ít ỏi, cơ sở vật chất thiếu thốn nên mỗi năm chỉ mổ được khoảng 1.000 - 2.000 mắt. Lúc đầu, chủ yếu là mổ lấy TTT đục trong bao, thời gian sau mới mổ ngoài bao, đặt kính nội nhãn dưới kính hiển vi phẫu thuật. Đến nay tại các cơ sở cũng làm vi phẫu thuật.

Kỹ thuật cũng được cải tiến đáng kể nhằm nâng cao chất lượng, phục hồi thị lực cho bệnh nhân. Từ đường rạch trực tiếp trên giác mạc, rạch giác mạc dưới vạt kết mạc, rồi tạo đường hầm củng mạc để có đường rạch nhỏ, không khâu; tìm vị trí đường rạch giác mạc nhằm giảm độ loạn thị sau mổ; đường mở bao trước theo đường vòng tròn liên tục giảm được biến chứng...

Ưu điểm của phương pháp mổ Phaco là đường rạch nhỏ 3,2 mm nên không phải khâu; giảm được độ loạn thị do phẫu thuật, giảm các biến chứng hậu phẫu, giải quyết được các hình thái nặng như đục thủy tinh thể trên bệnh nhân cận thị nặng, đục thủy tinh thể quá chín; rút ngắn thời gian mổ, bệnh nhân về ngay sau mổ.

Kỹ thuật Phaco đã giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phục hồi chức năng thị giác cho bệnh nhân, cải thiện thị lực trên 5/10 là 80 - 90% số trường hợp - nhiều trường hợp phục hồi hoàn toàn - so với các phương pháp lấy đục thủy tinh thể bằng tay như trước kia chỉ đạt 50 - 65%.

Tới nay kỹ thuật này đã chiếm 80 - 90% trên số ca mổ trong bệnh viện, số người được mổ hàng năm tăng dần, 144.532 ca đã mổ được.

* Phòng chống bệnh khô mắt do thiếu vitamin A

Bệnh khô mắt trẻ em do thiếu vitamin A còn gọi là bệnh mù dinh dưỡng, đã được phát hiện từ lâu và là căn nguyên gây mù hàng đầu ở trẻ em, tập trung ở các nước đang phát triển. Bệnh tiến triển rất nhanh trong vài ngày trên cơ trạng suy dinh dưỡng, từ khô, loét đến hoại tử toàn bộ giác mạc và dẫn đến mù lòa, hầu hết là ở cả 2 mắt.

Nước ta triển khai chương trình này từ năm 1987 nhưng riêng TP.HCM đã tổ chức điều tra và phát hiện từ năm 1983. Từ đó bắt đầu những hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phân phối vitamin A liều cao đều khắp cho trẻ uống phòng và điều trị bệnh. Đến năm 1994 ngành y tế Thành phố đã chặn đứng được căn bệnh gây mù hàng đầu ở trẻ em.

* Ứng dụng laser

Ứng dụng laser trong nhãn khoa là một tiến bộ vượt bậc trong ngành nhãn khoa VN và đặc biệt ở TP.HCM, được xem là một tiềm năng mới trong chẩn đoán, dự phòng và trị liệu, đã đưa ngành nhãn khoa ngang tầm với các nước trong khu vực.

Thập niên 1990 ở Việt Nam mới được ứng dụng laser trong nhãn khoa, đầu tiên là laser YAG, tiếp theo là laser argon, krypton, diode và đến đầu thế kỷ 21 mới có laser excimer.

Mỗi loại laser có tác dụng khác nhau.

- Laser Nd. YAG: dùng thay thế phẫu thuật phức tạp như xé bao sau (trong đục T3 thứ phát), phẫu thuật cắt mống chu biên dự phòng cơn glôcôm cấp, tạo hình góc tiền phòng...

- Laser excimer thay thế phẫu thuật rạch giác mạc hình nan hoa, giải quyết căn bản các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị).

- Laser argon, diode, 532 dùng điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, điều trị bệnh lý võng mạc tiểu đường, thoái hóa hoàng điểm già, quang đông laser dự phòng glôcôm tân mạch trên bệnh nhân tiểu đường... giải quyết được một số bệnh ở võng mạc và hoàng điểm, thay thế cho các phẫu thuật phức tạp trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu trong ngành nhãn khoa ở TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO