Thanh tra giáo dục tập trung vào những vấn đề gây bức xúc trong xã hội

Như Quỳnh| 24/09/2017 08:28

KHPTO - Theo Bộ giáo dục và đào tạo (GDĐT), năm học vừa qua 2016-2017, các sở GDĐT đã xây dựng kế hoạch đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác thanh tra. Đáng chú ý, số lượng các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm học 2016-2017 giảm hơn so với 2015-2016. Nội dung tập trung vào những vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

Cũng từ công tác thanh tra, đã phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý như một số phòng GDĐT chưa có biện pháp khắc phục kịp thời những tồn tại của các đơn vị sau kiểm tra; công tác kiểm tra nội bộ của nhà trường còn yếu; quản lý thu, chi, dạy thêm, học thêm sai quy định; quản lý chuyên môn còn hạn chế, chậm đổi mới về phương pháp, còn nặng về truyền thụ kiến thức, nhất là đối với một số trường miền núi, chưa có biện pháp khắc phục tình trạng học sinh học yếu của học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở. Các đoàn thanh tra đã kịp thời tư vấn, kiến nghị xử lý vi phạm và các biện pháp khắc phục, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nề nếp trong hoạt động giáo dục.

Kết luận thanh tra đã đánh giá đúng thực trạng tình hình của các cơ sở giáo dục, đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nhiều sai phạm, nhằm khắc phục những khuyết điểm, sơ hở trong công tác quản lý, tăng cường trật tự, kỷ cương, nề nếp của ngành giáo dục. Kết luận thanh tra đã tác động tới hệ thống giáo dục, góp phần tích cực cho công tác quản lý giáo dục của địa phương, là thông tin quan trọng giúp giám đốc các sở GDĐT quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý, các thông tin này được các cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân, dư luận đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, hiện nay biên chế thanh tra sở GDĐT một số nơi chỉ được giao 4 người nên khó phân công nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác. Bên cạnh đó, vướng mắc trong chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng một số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người dân do thiếu hiểu biết hoặc cố tình gởi đơn vượt cấp, nhiều nơi, cố tình nêu lại sự việc cũ đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, gây mất ổn định trong ngành.

Một số địa phương đề nghị Bộ GDĐT tiếp tục nghiên cứu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, bổ sung những cơ chế, thể chế quản lý chặt chẽ hơn đối với 2 nội dung về dạy thêm, học thêm và thu chi đầu năm học trong thời gian tới. Cần xây dựng, hoàn thiện quy trình về việc xây dựng kế hoạch thanh tra theo đặc thù của ngành giáo dục để áp dụng thống nhất. Cần có hướng dẫn cụ thể tỉ lệ, số lượng thanh tra chuyên trách đối với các sở GDĐT. Ngoài ra, để tăng cường nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệp, cần thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, đặc biệt là các vấn đề mới trong hoạt động thanh tra đối với các sở GDĐT.

Theo Bộ GDĐT, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác thanh tra trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng; tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của ngành và vấn đề dư luận quan tâm; phối hợp giữa thanh tra sở GDĐT với thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), thanh tra huyện và phòng GDĐT trong thanh tra, kiểm tra tránh chồng chéo; chuẩn hóa hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; tăng cường xử lý sau thanh tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra giáo dục tập trung vào những vấn đề gây bức xúc trong xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO