Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng nông thôn mới khi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp

TRÀ MI| 20/12/2021 21:14

KHPTO - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 56 xã và 5 huyện ngoại thành được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, đến nay, đã có 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4/5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm trên 900 ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 36/ QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/QĐ- UBND ngày 20/3/2013, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/2/2016 và hiện nay là Nghị quyết số 10/2017/ NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố,… nên tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008 - 2020 đạt 4,4%/năm. Khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp: năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 58,85% so với năm 2015 và tăng 172,32% so với năm 2010. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp qua các năm: năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010, là 66,6%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%, cho thấy rõ hiệu quả của việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chỉ đạo của trung ương về tiếp tục xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt để phù hợp với tình hình đô thị hóa nhanh, ngày 31/7/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Thông báo số 650-KL/TU về báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, trong đó: giao Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố nghiên cứu xây dựng chủ đề nông thôn mới trong thời kỳ tới như “Nông thôn mới trong đô thị văn minh”.

UBND thành phố cũng đã có Thông báo số 278/TB-VP ngày 9/4/2021 tại cuộc họp nghe báo cáo về nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, 5 huyện cần bám sát nội dung chỉ đạo, định hướng của trung ương, đồng thời cập nhật, bổ sung yêu cầu xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, gắn với các tiêu chuẩn, định hướng để trở thành quận theo các quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, khẩn trương đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và các tiêu chí nông thôn mới theo đặc thù Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Những chỉ đạo trên của Thành ủy, UBND thành phố đã cho thấy: công tác xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, bộ tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo phải phù hợp với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh tại thành phố.

Vì vậy, xây dựng nông thôn mới tại thành phố giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phải thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp trong tình hình diện tích đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm mạnh (do quá trình đô thị hóa cao), cụ thể: phát triển nông nghiệp đô thị bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao (các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được thành phố tập trung phát triển: rau, hoa kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh), phù hợp với đặc thù riêng của thành phố (Tiêu chí xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố phải đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí: chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố và có xu hướng phát triển ổn định; sản phẩm phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn thành phố và có khả năng cạnh tranh phát triển; có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo sản phẩm đạt năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm có tiềm năng mở rộng thị trường sản xuất giống cung cấp cho thành phố và các tỉnh; có điều kiện tham gia các chuỗi liên kết và cung ứng, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; có lợi nhuận, giá trị tăng cao; có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định); hướng đến trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng nông thôn mới khi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO