Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa

PHI ĐIỆP| 20/12/2021 21:11

KHPTO - Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước, với dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, vùng nông thôn thành phố có những đặc thù rất riêng so với vùng nông thôn thuần túy, truyền thống của cả nước. Vì vậy xây dựng nông thôn mới của thành phố để thật sự hiệu quả và bền vững, thì cần thiết phải xác định quan điểm và mục tiêu thực hiện Chương trình nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa đang diễn ra trên địa bàn thành phố.

Xây dựng nền nông nghiệp đô thị phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, công nghệ hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với tình trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong việc tham gia phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, tổ chức sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và gìn giữ đời sống văn hóa - xã hội, môi trường nông thôn; đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Thành phố phải tăng cường đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tăng cường liên kết với các tỉnh để đảm bảo an ninh lương thực và vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết.

Xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với đặc thù nông nghiệp của một đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

Về nông nghiệp: phát triển nông nghiệp đô thị bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ sản xuất giống cây con chất lượng cao, từ đó chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyển từ sản xuất nông sản phục vụ tiêu dùng thuần túy sang sản xuất giống có giá trị kinh tế cao, cung cấp giống cho khu vực Nam bộ và Tây Nguyên. Đẩy mạnh phát triển công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, phấn đấu thành phố là một trong những trung tâm sản xuất thiết bị nông nghiệp tự động hóa, thông minh của cả nước. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản; đẩy mạnh các hoạt động sơ chế, chế biến nông sản trong và ngoài thành phố, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm; định hướng sản phẩm nông nghiệp gắn với tiêu thụ; cấu trúc lại sản phẩm nông nghiệp gắn với từng vùng, từng địa phương; tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn; phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Nghiên cứu, tổ chức thành lập sàn giao dịch cho nông sản, thực phẩm khu vực, nhất là việc tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao.

Về nông dân: nâng cao trình độ dân trí, tăng cường lòng tin của nông dân với Đảng, Nhà nước; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nâng cao vị thế chính trị của giai cấp nông dân, khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân hiểu được kinh tế hợp tác đang trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nông dân thấy rõ những ưu thế vượt trội của mô hình kinh tế này so với làm ăn riêng lẻ. Thông qua mô hình kinh tế hợp tác, nông dân được hỗ trợ tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản; khuyến khích và hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp.

Về nông thôn: “Xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị hóa” theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và phấn đấu theo các tiêu chuẩn về văn hóa - văn minh đô thị tại Quyết định số 1280/ QĐ-UBND ngày 14/4/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố, về ban hành các tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020 - 2025, trong đó, có nêu các tiêu chuẩn danh hiệu “xã văn hóa - văn minh đô thị”, gồm: quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch; giúp nhau phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, các mô hình văn hóa khác; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị; xây dựng phong trào văn hóa, thể thao; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO