Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng 3 nhà máy xử lý rác thành điện

VỸ PHƯỢNG| 29/08/2019 08:19

KHPTO - TP.HCM đang triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà máy, ứng dụng công nghệ biến rác thành điện năng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững và tăng trưởng xanh cho thành phố, không xử lý chôn lấp rác như hiện nay.

Xây dựng môi trường xanh cho thành phố

Theo Sở tài nguyên và môi trường, hiện TP.HCM xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Phương pháp đốt và tái chế chỉ chiếm phần nhỏ. Theo đó, mỗi ngày TP.HCM có khoảng 9.213 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thải ra, trong đó 73% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 15% tái chế nhựa, 12% đốt không phát điện.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác, TP.HCM đề ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50%, năm 2050 còn 20%. Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM đang triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện.

Theo đó, TP.HCM đã phê duyệt chủ trương cho 3 đơn vị là Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Tasco đầu tư dự án nói trên. Dự kiến, 3 đơn vị này sẽ khởi công xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị vào cuối tháng 8 và tháng 9 tới, chính thức vận hành trong năm 2020 và 2021.

Khi các nhà máy đi vào vận hành, sẽ đảm bảo 46% lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện. Ngoài ra, với lượng rác khoảng 5.700 tấn/ngày đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, TP.HCM cũng đang xem xét năng lực để cấp chủ trương cho các nhà đầu tư hiện hữu. Trong đó, có Công ty TNHH xử lý rác thải Việt Nam, đơn vị này tới đây sẽ tiến hành đầu tư công nghệ đốt và thu khí gas với công suất 2.000/5.000 tấn rác/ngày mà đơn vị này đang thu gom - ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở tài nguyên và môi trường khẳng định tại buổi họp báo định hướng của thành phố về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

Công nghệ biến rác thải thành điện năng

Ông Ngô Như Hùng Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar cho biết, đơn vị đầu tư 400 triệu đô la Mỹ để đầu tư nhà máy tích hợp Vietstar (phân loại, tái chế, đốt rác phát điện), dự kiến ngày 29/8/2019 khởi công. Theo đó, đơn vị đầu tư 5 dây chuyền phân loại rác với công suất 6.000 tấn/ngày. Sau khi phân loại, rác hữu cơ được chuyển đến nhà ủ phân, rác vô cơ được chuyển đến nhà máy đốt rác phát điện để sản xuất ra thành phẩm.

Tương tự, ông Ngô Xuân Tiệc, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa cho biết, đơn vị cũng đầu tư công nghệ đốt rác phát điện (công nghệ Martin GmHb - CHLB Đức) và dự kiến ngày 6/10/2019 sẽ khởi công xây dựng nhà máy. Công nghệ này vận hành hoàn toàn tự động, có ưu điểm rác được đốt triệt để, tiêu hủy trên 90% lượng dioxin, giảm CO, xử lý triệt để khí thải và mùi hôi. Đặc biệt, không cần phân loại rác, cho sản lượng điện 40 MWh, 400 tấn gạch/ngày, nước thải tái sử dụng 100%.

Công ty cổ phần Tasco cũng đầu tư dự án điện rác (Phần Lan), công nghệ này cũng trải qua trình tự phân loại rác, tái chế và đốt rác phát điện.

Điểm chung của công nghệ đốt rác phát điện của Đức, Phần Lan… là cho thu hồi điện năng từ rác vừa phục vụ điện cho nhà máy vừa hòa vào lưới điện quốc gia. Đồng thời, có thể tái chế gạch không nung, vật liệu xây dựng, phân bón… Ưu điểm của công nghệ này là không chôn lấp rác mà tái tạo thành năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ít nước rỉ rác, kiểm soát mùi hôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng 3 nhà máy xử lý rác thành điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO