Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng đề kiểm tra học kỳ I

N. QUỲNH| 14/12/2019 16:44

KHPTO - Sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM vừa có hướng dẫn kiểm tra học kỳ I năm học 2019 - 2020.

Ở cấp trung học phổ thông sẽ do trường ra đề và tổ chức kiểm tra chung cho các môn học ở các khối lớp: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ngoại ngữ, toán học, vật lý, hóa học, sinh học. Các môn học còn lại có thể tổ chức kiểm tra tại lớp. Thời gian kiểm tra từ ngày 9 đến 21/12/2019. Hình thức đề kiểm tra các môn kiểm tra chung của nhà trường phải đảm bảo hình thức, nội dung kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch dạy học; đảm bảo phù hợp giữa thời gian làm bài và nội dung kiểm tra,… Đối với lớp 9 và lớp 12, không được sử dụng kỳ kiểm tra học kỳ vào mục đích luyện tập cho học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi THPT quốc gia. Các trường chỉ thực hiện theo chương trình chuẩn: biên soạn một đề kiểm tra chung cho mỗi môn ở từng khối lớp. Các trường thực hiện cả chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, mỗi môn (trừ tiếng Anh) của khối lớp 10 và 11 biên soạn một đề kiểm tra có hai phần: phần chung bắt buộc và phần riêng tự chọn cho hai chương trình chuẩn và nâng cao. Tỷ lệ điểm giữa phần chung và phần riêng của từng môn do nhà trường quy định.

Đối với các bài kiểm tra định kỳ, nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn cần xây dựng ma trận kiến thức và kỹ năng với 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao); xây dựng nội dung đề kiểm tra bao quát, thực tiễn, tiếp cận đánh giá năng lực học sinh. Tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống nhưng cần tránh khiên cưỡng, gượng ép.

Đề kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu bảo mật; nội dung kiểm tra phải bảo đảm tính chính xác, câu hỏi rõ ràng; nội dung các câu hỏi phải theo tiến độ bài dạy ở kỳ kiểm tra và sát với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Các nội dung của đề kiểm tra theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các cấp theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1/9/2011 của Bộ GD&ĐT. Cấu trúc đề kiểm tra phải đảm bảo đánh giá đúng và phân hóa năng lực học sinh.

Môn tiếng Anh, các khối lớp 6, 7, 8, 9, 10 và 11: riêng môn ngoại ngữ có kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận. Đề kiểm tra môn tiếng Anh có phần nghe (băng cassette, đĩa CD hoặc giáo viên đọc), phần trắc nghiệm khách quan chiếm 60%, phần tự luận (điền từ, dạng thức từ, viết lại câu…) chiếm 40%. Đề thi gồm có các phần sau: nghe băng hoặc đĩa (trong vòng 6 - 9 phút, đoạn nghe khoảng 2 - 3 phút, lặp lại 3 lần); từ vựng: trắc nghiệm; ngữ pháp: trắc nghiệm; đọc hiểu: trắc nghiệm (dạng guided cloze hoặc dạng true/false); viết: tự luận (đổi câu hoặc viết có gợi ý).

Khối 12: một đề kiểm tra chung cho toàn trường gồm cả hai hình thức trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn và tự luận, trong đó phần trắc nghiệm khách quan gồm 40 câu, phần tự luận gồm 10 câu (5 câu dạng thức từ, 5 câu viết lại câu).

Các môn còn lại khối 6, 7, 8, 9, 10 và 11: kiểm tra theo hình thức tự luận. Các môn còn lại khối 12: môn ngữ văn: một đề kiểm tra theo hình thức tự luận chung cho toàn trường. Môn toán: một đề kiểm tra chung cho toàn trường theo hình thức trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn kết hợp với tự luận theo nội dung chung của chương trình chuẩn và nâng cao, thực hiện theo 1 trong 2 phương án sau:

+ Bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan phối hợp chung với tự luận, gồm hai phần: phần 1 gồm các câu trắc nghiệm khách quan (có 60% cơ bản và 40% phân hóa, mức độ phân hóa tùy theo trình độ chung của học sinh trong nhà trường); phần 2 là lời giải của từ 20% đến 25% số câu được quy định trong bài kiểm tra (học sinh trình bày ngắn gọn các công thức sử dụng, giải thích, biện luận, tính toán…). Học sinh làm bài kiểm tra trong 90 phút.

+ Bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan độc lập với tự luận, gồm hai phần: phần 1 gồm trắc nghiệm khách quan (có 60% cơ bản và 40% phân hóa, mức độ phân hóa tùy theo trình độ chung của học sinh trong nhà trường); phần 2 gồm một số câu hỏi tự luận ngắn độc lập với phần 1. Học sinh làm bài kiểm tra thành hai giai đoạn riêng biệt: nộp phiếu trả lời trắc nghiệm khi hết thời gian dành cho phần 1 rồi mới nhận đề và làm tiếp phần kiểm tra tự luận.

Mỗi đề kiểm tra phần trắc nghiệm khách quan được xáo trộn tối thiểu thành 4 mã đề khác nhau để các học sinh ngồi cạnh nhau có mã đề khác nhau (xáo trộn riêng từng phần: phần cơ bản thuộc 60% đầu và phần phân hóa thuộc 40% sau của đề bài kiểm tra). Các tổ bộ môn cần xây dựng bảng ma trận kiến thức khi soạn và thiết kế đề kiểm tra. Tỷ lệ giữa phần trắc nghiệm và phần tự luận các trường bố trí có thể là 5:5; 6:4 hoặc 7:3. Nhà trường xây dựng thiết kế đề kiểm tra và phân chia thời gian hợp lý khoa học cho đề kiểm tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng đề kiểm tra học kỳ I
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO