Thành phố Hồ Chí Minh: Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng

P.T| 22/07/2020 14:49

KHPTO - Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong suốt 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng hàng tuần luôn thấp hơn khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, số người mắc và nhập viện hai bệnh này đều gia tăng.

Ngoài bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như trong tuần cuối tháng 6 có 72 phường, xã có ca mắc tay chân miệng; thì sang tuần đầu của tháng 7, con số này là 97, tăng 25 phường, xã. Số ca mắc tay chân miệng cũng tăng 50 ca so với tuần trước.

Theo BS. Trương Hữu Khanh (Bệnh viện nhi đồng 1, TP.HCM), để phòng bệnh tay chân miệng, cần rửa tay cho trẻ trước khi vào lớp, trước khi về nhà, khi về tới nhà. Người lớn rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, trước khi chế biến thức ăn, nhất là mới đi ra ngoài về. Phụ huynh cần báo giáo viên khi bé bị tay chân miệng để phòng cho mấy bé khác; nghỉ học ít nhất 10 ngày; ra phường xin thuốc sát trùng sàn nhà, đồ chơi; vệ sinh nơi bé sinh hoạt, đồ chơi...

Đối với bệnh sốt xuất huyết, do chưa có vaccin phòng bệnh và không lây từ người sang người, bệnh chủ yếu lây qua đường muỗi đốt nên biện pháp phòng chống bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi. Theo đó, người dân cần tự giác xử lý các vật chứa nước như trang bị nắp đậy không để muỗi vào đẻ trứng và thường xuyên cọ rửa thành lu, hồ, phuy chứa nước tránh để trứng muỗi bám vào thành; không để muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, dùng kem chống muỗi...

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã xây dựng nhiều giải pháp phù hợp trong toàn cảnh dịch bệnh hiện nay và khả thi đối với hệ thống phòng chống dịch.

Theo đó, đối với bệnh sốt xuất huyết, thành phố vẫn kiên định với giải pháp kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch vì đây là giải pháp phù hợp nhất cho một thành phố đông dân, đa dạng về thành phần kinh tế - xã hội, nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh. Để có thể lượng giá được hiệu quả của giải pháp này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã hướng dẫn các trung tâm y tế và trạm y tế phân loại, quản lý các loại hình điểm nguy cơ; đồng thời nâng cấp, bổ sung các tính năng kết nối, hiển thị, kết xuất các loại báo cáo thống kê, theo dõi việc thực hiện của tuyến dưới. Chỉ cần nhập đầy đủ dữ liệu của ca bệnh, điểm nguy cơ, ổ dịch lên phần mềm GIS thì tất cả các kế hoạch, biên bản xử lý ổ dịch, báo cáo thống kê được kết xuất từ phần mềm theo yêu cầu người sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO